Nhật ký mạng: Chuyện bây giờ mới kể [kỳ 2]

Nhật ký mạng: Chuyện bây giờ mới kể [kỳ 2]
Tạp chí Nhịp sống số - Nếu có một ngày, bạn bước ra khỏi nhà như một cuộc dạo chơi, rồi từ đó người thân sẽ không bao giờ còn nhìn thấy bạn trở về nữa, liệu có nỗi đau nào hơn thế hay không?

"... Cái chết đối với từng người vốn dĩ là một hành trình cô đơn không thể chia sẻ cùng ai. Nay điều khủng khiếp nhất của đại dịch COVID-19 không chỉ là chia cách tinh thần, cắt đứt mọi sự giao tiếp trong xã hội mà còn đẩy những người bị nhiễm và người bị chết vào hoàn cảnh đơn độc đến tận cùng..."

Đó là những dòng đầy xúc động mà ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương - gửi đến đồng nghiệp qua lá thư chia buồn, tưởng nhớ một nhân viên y tế đã tử vong vì COVID-19 trong quá trình làm nhiệm vụ.

Sinh mệnh nào cũng đáng quý, sinh mệnh nào mất đi cũng để lại những nỗi đau, nhưng càng xót xa hơn khi nữ hộ sinh Dương Nguyễn Thùy Trinh (khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương) ra đi ở tuổi 32 với một mầm sống trong mình. 

Chung nỗi cảm phục và tiếc thương thêm một chiến sĩ áo trắng ngã xuống trên mặt trận khốc liệt ấy, thay lời chia buồn, Nhịp Sống Số xin tiếp tục cập nhật kỳ 2 Nhật ký mạng của Bác sỹ Ngô Đức Hùng. Theo một cách nào đó, những dòng trong trẻo và giản dị này khiến chúng ta có cái nhìn "cận cảnh" và rành mạch hơn về nỗi buồn sinh ly tử biệt trong những ngày này và học cách chấp nhận, vượt qua nó!

Cùng với gần 3.000 bạn bè và hơn 15.000 người dõi theo Hung Ngo trên mạng xã hội, một lần nữa xin chúc bác sĩ cùng các đồng nghiệp mạnh khỏe, an toàn, vững vàng vượt qua trận chiến này để cùng cộng đồng chiến thắng dịch bệnh! 

*** 

Ảnh minh họa

Ào. Cơn mưa bất chợt đổ xuống làm dịu ngay cái không khí oi nóng ngày hè. Tiếng nước rơi lộp độp trên trần mái tôn khu xưởng đóng tàu, giờ là khu ICU dã chiến, ở trên cao tít và đi qua đôi tai bị bịt kín bởi bộ áo bảo hộ nghe đâu đó mơ hồ.

Mấy người đứng lặng lẽ ngoài cửa nhòm ra ngoài. Dòng nước trên mái tôn vẽ xuống nền đất bên ngoài thành những lối đi vòng vèo, đẩy những chiếc lá khô cong từ cơn nắng trước trôi đi hối hả.

Chiếc container lạnh đặt bên ngoài khu điều trị cách 1 quãng nhỏ, giờ bị ngăn bởi con đường mưa ướt sũng, thỉnh thoảng loáng lên phản chiếu ánh sáng xa xăm.

Thỉnh thoảng chiếc cointainer lại được mở ra, đón một chiếc bọc trắng toát đặt vào đó rồi lầm lũi đóng lại. Nhả ra chiếc cáng trống lóc cóc đi về.

Một ông bác già rất già, người gầy tong teo lập cập đứng đằng xa xách chiếc túi màu đen với vào hỏi xin gửi đồ cho vợ, người mà trước đó các bác sĩ đã phải đặt ống nội khí quản và thở máy. Nét bút run rẩy viết vội vào tờ giấy xé nham nhở, nhét vào lưng túi, rồi đặt lên bàn ngoài cửa, rồi đi. Những vật dụng cá nhân hàng ngày đến giờ bệnh nhân không còn sử dụng được nữa được để dưới chân giường. Dù sao đó cũng là thứ tình cảm gia đình mà người thân cố gắng lo được. Chiếc máy thở vẫn kéo thả nhịp nhàng với tiếng tít tít trống không.

Nếu có một ngày, bạn bước ra khỏi nhà như một cuộc dạo chơi, rồi từ đó người thân sẽ không bao giờ còn nhìn thấy bạn trở về nữa, liệu có nỗi đau nào hơn thế hay không?

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm