Nhật ký mạng: Chuyện giờ mới kể [kỳ 3]

Nhật ký mạng: Chuyện giờ mới kể [kỳ 3]
Tạp chí Nhịp sống số - Chiếc máy monitor hiện lên đồ thị điện tim đều đều chạy từ trái qua phải với một điểm dẫn đường... Thế rồi nó ngừng lại, tất cả biến thành 1 đường thẳng tắp không gập ghềnh, không một tiếng kêu ồn ã nào cả.

Những ngày này, vaccine và an sinh là hai từ được nhắc đến với tần suất dày đặc. Đó là khi, vừa dứt cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19, nhiều lao động tại TP. Hồ Chí Minh lại tiếp tục bước vào cuộc chiến mới với nỗi lo về công ăn việc làm, về những điều kiện thiết yếu đảm bảo cho cuộc sống... Doanh nghiệp cũ lao đao, thậm chí đóng cửa, những kỹ năng hạn chế mà họ có thật khó giúp kiếm một công việc ổn định lúc này. Tiền ăn, tiền trọ, tiền nuôi con với cái túng thiếu "bủa vây" tứ phía...

Một tâm trạng chung khác của rất nhiều người là ngóng vaccine. Cố giữ không nhiễm bệnh cho đến khi vaccine mang đến một cơ hội mới để mọi thứ được trở về gần với cuộc sống bình thường trước kia. Với họ, không có khái niệm "kén chọn", vaccine nào cũng được, quan trọng nhất là được tiêm để có thêm cơ hội vượt qua dịch bệnh! 

Cùng lúc đó, trên một trận tuyến khác, những y bác sỹ tuyến đầu vẫn kiên cường với mục tiêu của họ: điều trị cho người bệnh, giằng giật những sinh mạng khỏi tay tử thần để hạ thấp cái tỷ lệ đau xót những sinh mạng tử vong do Covid-19. Đôi khi, giữa những giờ nghỉ, họ lại không tiếc chút thời gian thư giãn quý giá để "phím chiến" cùng những thông tin giả, những kẻ trục lợi, kinh doanh trên nỗi lo sợ của đồng bào; những "ngụy trí giả" xui đồng bào ăn bậy, uống càn vì niềm tin mong manh đó là "thần dược" chống virus. Trong số đó, gần đây nhất là "Địa long bang", cái tên vui mà cộng đồng mạng gọi những người tin vào việc "ăn giun sống khỏi covid-19". Như mọi khi, BS. Hùng Ngô lại trở thành tiêu điểm với cuộc chiến thông tin chống lại các "thánh giun". Hy vọng, những kiến thức y học đúng đắn sau lớp vỏ ngôn ngữ hài hước đó sẽ ngày càng được lan tỏa. 

Và tiếp theo, mời các bạn cùng đọc Nhật ký mạng "Chuyện bây giờ mới kể" kỳ 3!

BS Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM giành giật sự sống cho bệnh nhân nguy kịch ở Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19

...Chiếc máy monitor hiện lên đồ thị điện tim đều đều chạy từ trái qua phải với một điểm dẫn đường, xuất hiện từ bên này rồi biến mất ở bờ bên kia màn hình, kéo theo những đồ hình loằng ngoằng đằng sau.

Thế rồi nó ngừng lại, tất cả biến thành một đường thẳng tắp không gập ghềnh, không một tiếng kêu ồn ã nào cả.

Ông bác tổn thương phổi chưa đến nỗi nặng chỉ phải thở oxy dòng cao, ngồi co mình trên giường bàng hoàng nhìn sang phía đối diện, nơi các bóng áo trắng đang hì hục ép tim, rồi khóc. Khóc vì nỗi ám ảnh liệu rằng mình có phải nằm ở vị trí đó hay không. Khóc vì nỗi cô đơn không có người thân nào bên cạnh lúc này. Và khóc thương cho một số phận kém may mắn đã không còn chống chịu được nữa.

Mỗi ngày, công việc lặp đi lặp lại như vậy khiến mỗi người đều trở nên căng thẳng. Để tiết kiệm đồ bảo hộ, mọi người đều cố gắng làm việc xuyên ca không ăn, không uống. Bởi chỉ cần tháo chiếc khẩu trang ra uống 1 hớp nước đã phí mất cả bộ bảo hộ lẫn chiếc khẩu trang giá vài trăm nghìn đồng. Nhưng những điều đó đâu có đáng gì với những cảm xúc mà họ chịu đựng khi liên tiếp đối mặt với những nỗi ám ảnh, mà với người bình thường cả đời chỉ gặp có một đôi lần.

Tối, mò số điện thoại người nhà thông báo tình hình người bệnh đang chuyển biến xấu. Bên kia bắt máy, "gia đình em 2 người đã mất vì Covid, 1 người nữa đang cách ly chưa biết thế nào, bây giờ bác sĩ thông báo vậy em biết phải làm sao...". Tự nhiên thấy chiếc điện thoại nặng trĩu, chỉ vội dặn chú ý nghe điện thoại bác sĩ gọi, bên kia vâng. Rồi cúp máy.

Trước đây, đã có lúc ngồi thấp thỏm chờ đợi cuộc gọi báo tin xấu đã được biết trước. Lúc ấy chỉ muốn thời gian kéo dài mãi ra, con người ta đâm ra cáu kỉnh và sợ hãi mọi thứ âm thanh phát ra ở bên ngoài. Chỉ một tiếng động nhỏ ngoài ngõ thôi cũng khiến con mắt liếc về phía chiếc điện thoại đang lặng yên trên bàn. Khi yên tĩnh quá độ, bên tai lại vang lên ảo giác tiếng chuông reo mơ hồ đâu đó. Nghề và nghiệp của người thầy thuốc là đem lại sự hi vọng. Bỗng nhiên lúc này tiếng nói của họ được đổi thành kẻ mang đến sự bi thương và tuyệt vọng.

“A lô, tôi là...xin thay mặt bệnh viện thông báo cho gia đình mình bệnh nhân...đã mất vào hồi...ngày...tháng...năm...”

Vaccine vẫn luôn là thành trì miễn dịch nhân tạo để giảm thiểu rủi do của miễn dịch tự nhiên đau thương. Vậy nên, loại tốt nhất là loại có gần trong tầm tay mình nhất. Đừng chờ đợi.

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm