Nhắc đến Shark Liên, các khán giả của chương trình Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ đều nghĩ ngay đến hình ảnh một nhà đầu tư luôn chú ý đến các startup nhân văn, bền vững, đặc biệt là các dự án về môi trường, giáo dục, cộng đồng... Mới đây trong tập 7, Shark Tank mùa 4 vừa phát sóng, Shark Liên tiếp tục khẳng định "khẩu vị" đầu tư đầy ý nghĩa của mình khi cùng Shark Louis quyết định đầu tư cho Vmeat - một startup kinh doanh sản phẩm thịt thực vật.
Trong thương vụ này, sau khi lắng nghe hai vợ chồng co-founder của Vmeat thuyết trình và kêu gọi số vốn 4 tỷ đổi lấy 20% cổ phần công ty, “dàn cá mập” như thói quen đã tung ra loạt câu hỏi để làm rõ bức tranh tài chính và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Đến màn “chốt deal”, dù Shark Hưng, Shark Phú, Shark Bình đã từ chối đầu tư, Shark Louis vẫn thể hiện sự hứng thú khi cho rằng Vmeat lựa chọn hướng kinh doanh mang nhiều ý nghĩa với sức khỏe con người và môi trường. Vì thế, ông đã đưa ra đề nghị đầu tư, mặc dù cũng cho biết Quỹ đầu tư của mình không thường rót vốn cho các startup thuộc lĩnh vực thực phẩm.
Chứng kiến Shark Louis “phá lệ” với lý do nhân văn, Shark Liên đồng cảm và quyết định ủng hộ bằng việc đưa ra đề nghị được cùng tham gia đầu tư. Cuối cùng, co-founder của Vmeat đã đồng ý có sự đồng hành của cả Shark Louis và Shark Liên với 4 tỷ đổi lấy 49% cổ phần.
Chia sẻ về lý do mình lựa chọn tham gia đầu tư, trên trang fanpage cá nhân, Shark Liên nhận xét: Vmeat không những mang đến giải pháp cải thiện sức khỏe người Việt qua việc ăn chay, mà còn góp phần bảo vệ môi trường bằng việc làm chậm quá trình phát triển của ngành công nghiệp chăn nuôi. Nhìn xa hơn, đó còn là sự cổ vũ cho lối sống lành mạnh của con người khi sử dụng hợp lý, cân đối các sản phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật. Đó là lý do họ đã thuyết phục được bà.
Nhân dịp này, bà cũng nói rõ hơn về định nghĩa “kinh doanh bền vững” theo quan niệm của mình: “Cá nhân tôi luôn dành nhiều tình cảm cho những nhà khởi nghiệp trẻ lựa chọn hướng đi bền vững giống như startup Vmeat. Với tôi, “kinh doanh bền vững” chính là việc tạo ra được các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu hiện tại, không ảnh hưởng đến nguồn cung và thế hệ tương lai, đồng thời tham gia vào việc cải thiện sức khỏe con người, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường”.