Những nhiệm vụ trọng tâm để Chính phủ điện tử Việt Nam vào top 50 thế giới

Tạp chí Nhịp sống số - Đến năm 2025, xếp hạng Chính phủ điện tử Việt Nam vào top 50, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 80%, đồng thời giao dịch qua nền tảng, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đạt 860 triệu giao dịch…

Mục tiêu Chính phủ điện tử Việt Nam vào top 50 thế giới đặt ra hàng loạt "việc cần làm ngay" cho cả ngành trong năm 2023 cũng như giai đoạn tới. 

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Chỉ thị 01/CT-BTTTT về định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2023 và giai đoạn 2024 – 2025. Một trong những trọng tâm là công cuộc chuyển đổi số quốc gia do ngành Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện với mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới.

MỤC TIÊU TOP 50 TỪ VỊ TRÍ 86

Về lĩnh vực Chính phủ số và Chuyển đổi số quốc gia, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, trọng tâm là phát triển các nền tảng số để cung cấp dịch vụ theo nhu cầu, ứng dụng công nghệ mới để cung cấp dịch vụ mới cho người dân; đề xuất ban hành văn bản quy phạm pháp luật về dữ liệu số; khai mở giá trị mới, tạo ra không gian phát triển đối với tăng trưởng kinh tế - xã hội…

Theo Báo cáo Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2022 (E-Government Survey 2022), Việt Nam có vị trí thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và vị trí thứ 6 Đông Nam Á, vẫn kiên trì giữ vững vị trí so với năm 2020. Việt Nam đã duy trì được việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014-2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86.

vietnam-e-government-survey-2022.png
Việt Nam có vị trí thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc về EGDI (Nguồn: E-Government Survey 2022)

Về giá trị, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử EGDI (E-Government Development Index) của Việt Nam năm 2022 đạt 0.6787 điểm, được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử có EGDI ở mức cao và cao hơn so với chỉ số EGDI trung bình của thế giới (0.5988), của khu vực châu Á (0.6373), cũng như của khu vực Đông Nam Á (0.6321).

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì vị trí thứ 6 trong 11 nước, giữ nguyên vị trí của năm 2020. Năm 2022, 5 nước có vị trí cao hơn Việt Nam đã có sự thay đổi gồm: Singapore, Malaysia, Thailand, Brunei và Indonesia.

Từ năm 2020, bên cạnh chỉ số chính là EGDI, Liên hợp quốc đã đánh giá thêm một số chỉ số phụ liên quan đến sự phát triển Chính phủ điện tử. Chỉ số tham gia điện tử (EPI) đánh giá sự tương tác điện tử giữa chính phủ và người dân, với mục đích khuyến khích các chính phủ cung cấp cho người dân các công cụ trực tuyến để tham gia vào quá trình ra quyết định. Năm 2022, chỉ số EPI của Việt Nam có vị trí xếp hạng là 72/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, giảm 2 bậc so với năm 2020 và 4 bậc so với năm 2018.

Chỉ số Dịch vụ trực tuyến địa phương (LOSI) là chỉ số phụ để đánh giá sự phát triển dịch vụ trực tuyến của một số thành phố lớn tại các quốc gia, được tính trên cơ sở đánh giá trực tuyến bao gồm 86 chỉ số. Năm 2020, 100 thành phố được chọn lựa khảo sát, đánh giá (năm 2018 là 40 thành phố). Bản đánh giá LOSI năm 2022 là ấn bản đầu tiên đánh giá chính phủ điện tử cung cấp dịch vụ tại thành phố đông dân nhất trong số 193 Quốc gia thành viên. Việt Nam có TP.HCM được lựa chọn khảo sát, đánh giá, xếp hạng 54/86 chỉ số và được xếp ở mức chỉ số LOSI cao.

Định hướng giai đoạn 2024 – 2025, đến năm 2025, xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử của Việt Nam vào top 50; Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 80%; số lượng giao dịch qua Nền tảng, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đạt 860 triệu giao dịch; tỷ lệ cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước đạt 100%.

100% HỒ SƠ BỘ PHẬN MỘT CỬA ĐƯỢC XỬ LÝ TRỰC TUYẾN

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của ngành Thông tin và Truyền thông là triển khai các giải pháp để hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc, thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước theo hướng toàn trình quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP; Phấn đấu 100% hồ sơ nộp tại bộ phận một cửa được xử lý trực tuyến; trong đó, 50% hồ sơ nộp tại bộ phận một cửa được thực hiện trực tuyến.

Những nhiệm vụ để Chính phủ điện tử Việt Nam vào top 50 thế giới
Nhập chú thích ảnh

 

Ngoài ra, triển khai có hiệu quả nhiệm vụ tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính; Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử;…

Đồng thời, xây dựng và phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương; mở dữ liệu kết nối để chia sẻ; tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu để khai phá giá trị mới là sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số; thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, giúp người dân thụ hưởng trực tiếp lợi ích, để “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”.

Bên cạnh đó, phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) để thực hiện kết nối, chia sẻ hiệu quả dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, khai thác triệt để các cơ sở dữ liệu quốc gia, tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; Nền tảng giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số, Nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân (VNFORM) và một số hệ thống thông tin, nền tảng số quan trọng khác; Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ (CGC) tạo cơ sở phát triển điện toán đám mây trong các cơ quan nhà nước.

Hỗ trợ, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương phát triển các nền tảng số. Trong đó, tập trung phát triển các nền tảng quản lý, điều hành nghiệp vụ chuyên ngành dựa trên dữ liệu, đồng bộ, thông suốt từ trung ương đến địa phương; phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung của bộ, ngành, địa phương; tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu; phát triển dữ liệu lớn; cung cấp dữ liệu mở. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm về các nội dung, mô hình chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.

Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà - MOOCs (Nền tảng OneTouch); Hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương để phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội.

Lĩnh vực an toàn thông tin mạng, tập trung bảo vệ dữ liệu cá nhân; bảo đảm an toàn dữ liệu. Chuyển đổi căn bản về nhận thức và cách làm trong an toàn không gian mạng. Tăng cường các biện pháp bảo vệ người dân, bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng. Thay đổi trọng tâm từ cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò chính bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia sang cơ quan nhà nước điều phối các tổ chức, doanh nghiệp và người dân chung tay bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia.

Đến năm 2025, tỷ lệ chủng loại sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đạt 100%. Tỷ lệ doanh thu sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng đạt trên 70%. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp Việt Nam đạt từ 20%/năm.

Có thể bạn quan tâm