Những "từ khóa" quan trọng cho phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam

Những
Tạp chí Nhịp sống số - “Để thúc đẩy hiệu quả hoạt động của Chính phủ điện tử thì Việt Nam cần chú ý 3 điểm. Một là phát triển hạ tầng kết nối giúp người dân dễ tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến. Hai là tập trung nâng cao trải nghiệm người dùng cuối. Ba là nâng cao năng lực kỹ thuật số của cơ quan quản lý” phủ Điện tử

Đó là chia sẻ của bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện Thường trú, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam - trong bài phát biểu trực tuyến tại sự kiện Hội thảo Quốc gia về Chính phủ Điện tử 2020 ngày 17/9 tại Tp. Hồ Chí Minh.

Trong hội thảo, đại diện Liên hợp quốc đưa ra khuyến cáo dù Việt Nam đã tăng hạng 13 bậc từ năm 2014 đến nay nhưng để thúc đẩy hơn nữa nền Chính phủ điện tử (CPĐT), cần cải thiện quyết liệt ba việc sau. Một là nâng cao năng lực kết nối của người dân với nền chính phủ điện tử mà khả năng kết nối internet chính là chìa khóa quan trọng nhất. Thứ hai là tập trung nâng cao trải nghiệm người dùng cuối. Ba là nâng cao năng lực kỹ thuật số của các cơ quan quản lý nhà nước.

Năm 2020, nền tảng CPĐT của Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể. Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng, Cục Cải cách Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ thì sau hơn 9 tháng triển khai, đến nay, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 1.194 /6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Cổng dịch vụ công cũng đã đạt trên 66 triệu lượt truy cập, trên 265.000 tài khoản đăng ký, hơn 17 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 370.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến trên cổng. Từ tháng 3 đến nay, hệ thống thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công đã được triển khai, thực hiện trên 13.600 giao dịch, đáp ứng thanh toán cho tài khoản của 38/46 ngân hàng. Tổng thể hoạt động của Cổng dịch vụ công trực tuyến, dự kiến, tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 6.700 tủ đồng và tiếp tục tăng.

Song song với những thành tựu đó, tại sự kiện, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhắc lại một số  mục tiêu phát triển Chính phủ Số là đến năm 2025 phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Có đến 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Phấn đấu Việt Nam sẽ gia nhập nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Trao đổi bên lề hội thảo, ông Phạm Anh Đức - Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel - cho biết: đây là những yêu cầu cao nhưng với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và sự góp sức của các doanh nghiệp công nghệ nước nhà, mục tiêu năm 2025 hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, lọt vào Top 4 ASEAN về phát triển CPĐT không phải quá khó với Việt Nam. Ông Đức cho biết thêm: “Trong 2,3 năm gần đây, quá trình chuyển đổi số diễn ra từ Chính phủ, Bộ Ban Ngành và các địa phương diễn ra khá nhanh. Trong đấy, các cái nổi bật là dịch vụ công đã đưa lên hầu hết các Bộ Ban Ngành và các địa phương thì đã cung cấp các dịch vụ công để người dân có thể tiếp cận dễ dàng hoặc các hệ thống văn bản theo điều hành của VPCP, các địa phương hiện nay hầu hết đã chạy trên hệ thống văn bản điều hành phục vụ các công việc hàng ngày. Ngoài ra, một số Smart city ở các tỉnh, ví dụ như Thừa Thiên-Huế cũng đã triển khai và phục vụ tốt cho cuộc sống của người dân và công tác điều hành của Chính quyền. Dần dần, những công nghệ hiện đại như AI đã được áp dụng vào công tác khám chữa bệnh. Blockchain thì một số bên đã triển khai xây dựng các nhũng sản phẩm phục vụ cho nhận dạng người dân, xác thực người dân. Cái đấy là vừa về mặt triển khai áp dụng, vừa về mặt Công nghệ”.

Còn ông Hà Thái Bảo - Phó Tổng Giám đốc, Công ty Công nghệ thông tin VNPT - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam – thì cho rằng: “Các cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực về công nghệ trong thời gian qua như việc ban hành các văn bản về việc quản lý, các tiêu chuẩn kết nối, chia sẻ dữ liệu, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì triển khai thành công nhiều bài toán quốc gia để kết nối, chia sẻ dữ liệu. Chính phủ Việt Nam cũng đã dần chuyển mình theo hướng chính phủ hành động, phục vụ, liêm chính biểu hiện cụ thể ở các hành động như: đối thoại với người dân và doanh nghiệp, xóa bỏ giấy phép con, sửa đổi bộ Luật hướng đến mục tiêu minh bạch, công bằng cho người dân và Doanh nghiệp. Theo nhu cầu và xu hướng phát triển xã hội, người dân ngày càng ý thức hơn về lợi ích của chuyển đổi số mang lại như tiếp cận nhanh chóng với mạng xã hội, nắm bắt được nhiều thông tin và cách thức giao tiếp với chính quyền thông qua môi trường internet”.

Cũng trong phiên thảo luận của hội thảo do ông Trương Gia Bình – Thành viên Ủy ban Quốc gia về CPĐT - điều phối, các từ khóa “Vai trò người đứng đầu”, “Quyết tâm”, “Sáng tạo”, “Thể chế”, “Lợi ích”, “Hài hòa tổng thể” được xem là những từ khóa quyết định sự phát triển CPĐT tại Việt Nam trong gian đoạn tới.

Tham gia phiên thảo luận cấp cao này, ngoài ông Trương Gia Bình còn có các ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nguyễn Thành Lợi, Chuyên gia  cao cấp phụ trách phát triển thanh toán trực tuyến, Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin & Truyền thông, Phan Thiên Định, Chủ tịch, UBND tỉnh  Thừa Thiên Huế; Tống Viết Trung, Phó Tư lệnh, Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng, Bộ Quốc phòng.

Ngoài phiên Báo cáo chính, hội thảo còn có 3 phiên báo cáo chuyên đề với nội dung Chuyển đổi số trong các lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Logistic.

Song song với chương trình hội thảo là triển lãm CNTT phục vụ phát triển chính phủ điện tử. Tham gia triển lãm, Tổng công ty viễn thông di động Mobifone giới thiệu nhiều giải pháp trong đó nổi bật là Giải pháp giao thông thông minh MobiFone AI Traffic giúp các tỉnh thành phố, lực lượng chức năng tối ưu công tác giám sát, quản lý tình hình giao thông và tự động phát hiện vi phạm giao thông hiệu quả. Áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo với độ chính xác cao, giải pháp có các tính năng chính: Giám sát tự động tình hình giao thông, Tự động phát hiện lỗi, ghi nhận và lưu lại hình ảnh/video vi phạm, lưu lại hình ảnh phương tiện kèm biển số, cho phép tìm kiếm phương tiện theo biển số trực quan trên bản đồ, cung cấp các báo cáo thống kê liên quan đến nhận diện, lưu lượng, xử lý vi phạm. Có khả năng kết nối và mở rộng linh hoạt: Tích hợp với hệ thống xử phạt của CSGT tạo quy trình khép kín, hoặc thông báo các sự kiện qua SMS/Zalo, biển báo điện tử…

Có thể bạn quan tâm

Từ ngày 28/10, người dân có thể khởi tạo chữ ký số VNPT SmartCA ngay trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an và sử dụng chữ ký số này thực hiện ký số miễn phí hoàn toàn trên các cổng dịch vụ công.