Nở rộ "chợ đen" bán dữ liệu người dùng Trung Quốc

Nở rộ
Tạp chí Nhịp sống số - Giao dịch ngầm thông tin cá nhân đã trở thành chuỗi dịch vụ chuyên nghiệp và công nghiệp hóa ở Trung Quốc.

Khi Sharon Liu, chuyên viên tài chính ở thành phố Thiên Tân, miền đông Trung Quốc, mua một căn hộ thông qua nền tảng môi giới trực tuyến vào cuối năm ngoái, cô chưa bao giờ đồng ý cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ. Nhưng bây giờ, mỗi ngày ba lần cô đều nhận được cuộc gọi từ những người cô không quen biết.

“Họ đang làm phiền nghiêm trọng đến cuộc sống cá nhân và công việc của tôi. Tôi trả lời họ vì sợ bỏ lỡ các cuộc gọi quan trọng. Họ biết địa chỉ và số điện thoại của tôi, tôi cảm thấy không an toàn”, Sharon Liu nói với South China Morning Post.

Trường hợp của Sharon Liu không phải duy nhất. Từ các trang web tìm việc có hệ thống kiểm soát thông tin lỏng lẻo cho đến những người bình thường làm việc trong công ty, họ đều đang tích cực tiếp tay cho hành vi trộm cắp dữ liệu cá nhân. Không có luật dành riêng cho việc bảo vệ thông tin cá nhân và thiếu hướng dẫn rõ ràng, Trung Quốc vẫn đang phải vật lộn với vấn đề dữ liệu cá nhân, đặc biệt khi hoạt động buôn bán ngầm thông tin cá nhân phát triển tràn lan trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường thúc đẩy mạnh lĩnh vực kỹ thuật số.

“Chúng tôi phải thừa nhận tình trạng rò rỉ và vi phạm thông tin cá nhân của công dân Trung Quốc là rất tệ”, Steve Zhao, luật sư về sở hữu trí tuệ tại công ty luật Gen có trụ sở ở Bắc Kinh, nói. Luật sư Zhao mô tả thị trường chợ đen dữ liệu của Trung Quốc đã phát triển thành một chuỗi chuyên nghiệp và công nghiệp hóa kết nối với một loạt hoạt động bất hợp pháp, bao gồm gian lận, tống tiền và đòi nợ bằng bạo lực.

Năm ngoái, 5 nhân viên tại công ty chuyển phát nhanh Trung Quốc YTO Express bị phát hiện đã cho một nhóm môi giới dữ liệu ngầm thuê tài khoản công ty với giá 500 nhân dân tệ (khoảng 77 USD) một ngày. Kết quả là thông tin cá nhân của hơn 400.000 người dùng bị lộ, bao gồm tên, địa chỉ, số định danh và số điện thoại.

Tháng 3.2020, dữ liệu cá nhân của 538 triệu người dùng Weibo, bao gồm số điện thoại, giới tính, vị trí địa lý, bị rò rỉ và rao bán trên trang web đen. Tháng 8.2018. Huazhu Hotel Group, một trong những chuỗi khách sạn lớn nhất Trung Quốc, đã báo cáo một vụ rò rỉ khiến thông tin của 130 triệu khách hàng xuất hiện trên một diễn đàn web đen. Mặc dù các nhà môi giới đã bị bắt vì bán dữ liệu cho những kẻ lừa đảo tiếp thị qua điện thoại ở Trung Quốc và Đông Nam Á, nhưng đã quá muộn để xóa thông tin của nạn nhân khỏi internet sau khi bị phát tán.

Thách thức đang ở phía trước đối với các nhà hoạch định chính sách, những người cần phải cân bằng giữa sự kiểm soát mạnh mẽ hơn của chính phủ, bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và khuyến khích các công ty tận dụng toàn bộ tiềm năng của dữ liệu. “Chính phủ Trung Quốc đang chuẩn bị cho một nỗ lực phối hợp để tạo ra các quy định hỗ trợ việc mua, bán và lưu thông dữ liệu trong toàn bộ nền kinh tế kỹ thuật số”, Kendra Schaefer, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách công nghệ tại Trivium China, nói.

Năm ngoái, chính quyền Bắc Kinh cho biết dữ liệu sẽ đóng vai trò hàng đầu trong phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc khi liệt kê dữ liệu là một yếu tố sản xuất mới cùng với đất đai, lao động và vốn. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc được công bố vào đầu tháng này đã cập nhật nhanh việc triển khai hai đạo luật “cơ bản”, luật Bảo vệ thông tin cá nhân (PIPL) và luật Bảo mật dữ liệu.

PIPL, như tên gọi của nó, sẽ giải quyết các vấn đề về quyền riêng tư cá nhân, còn luật Bảo mật dữ liệu sẽ thiết lập các quy tắc xung quanh thị trường dữ liệu và cơ chế cơ bản để quản lý bảo mật dữ liệu. 

Có thể bạn quan tâm