Theo đó, bước đột phát này đã được giới thiệu lần đầu tại Hội nghị 6G diễn ra từ ngày 31/10 đến 2/11 tại Brooklyn, New York, "Mạng ngôn ngữ tự nhiên" của Nokia Bell Labs sẽ giúp loại bỏ sự phức tạp trong quản lý mạng và nâng cao khả năng phản hồi đối với nhu cầu người dùng cuối. Công nghệ này cho phép người dùng tương tác với môi trường mạng thông qua giọng nói hoặc văn bản đơn giản, mở ra cánh cửa cho một cách tiếp cận mới trong triển khai và duy trì cấu hình mạng.
Các mạng ngôn ngữ tự nhiên không chỉ có khả năng hiểu mong muốn của người dùng mà còn có khả năng tự động hóa các hành động theo các lệnh được cấp phép. Điều này hứa hẹn giảm đáng kể sự phức tạp trong việc quản lý và cấu hình mạng thông qua sự tích hợp của trí tuệ nhân tạo (AI).
Ông Csaba Vulkan, trưởng nhóm Nghiên cứu tự động hóa hệ thống mạng của Nokia Bell Labs chia sẻ: “Các nhà khai thác sẽ không cần phải nghiên cứu ca-ta-lô kỹ thuật hoặc đặc tả API phức tạp trong khi thực hiện cấu hình mạng. Thay vào đó, một câu lệnh đơn giản như ‘Tối ưu hóa mạng tại vị trí X cho dịch vụ Y’ sẽ đáp ứng đúng yêu cầu đó”.
"Mạng ngôn ngữ tự nhiên" không chỉ là một đột phá cá nhân mà còn là một phần của sáng kiến nghiên cứu lớn hơn của Nokia Bell Labs mang tên UNEXT. Nhìn chung, UNEXT nhắm đến việc tái định nghĩa phần mềm và hệ thống mạng, tương tự như cách UNIX đã làm trong lĩnh vực điện toán. UNEXT dự kiến biến môi trường mạng thành một hệ điều hành, giúp quá trình tích hợp thiết bị trở nên đơn giản và an toàn hơn.
Ông Azimeh Sefidcon, trưởng phòng Nghiên cứu Hệ thống mạng và bảo mật của Nokia Bell Labs cho biết thêm: “Mạng ngôn ngữ tự nhiên cung cấp thông tin khái quát về một trong nhiều khả năng của UNEXT. Hạ thấp độ phức tạp của hoạt động quản lý mạng phù hợp với mục tiêu của UNEXT là mở rộng phạm vi tiếp cận của các hệ thống nối mạng thông qua phá vỡ các rào cản ngăn không cho các hệ thống đó liên thông hoạt động với nhau.”