“Ôn cố tri tân” cùng thị trường Internet Việt Nam

“Ôn cố tri tân” cùng thị trường Internet Việt Nam
Tạp chí Nhịp sống số - Sau 20 năm kết nối, Internet đã làm thay đổi sâu sắc mọi lĩnh vực, đời sống ở Việt Nam, từ kinh tế - xã hội, đến an ninh - quốc phòng, cho đến giáo dục – đào tạo, giải trí, giao thông – vận tải… Vậy 20 năm tới sẽ ra sao? Thị trường Internet Việt Nam cần những gì để tiếp tục phát triển một cách mạnh

Thành tố quan trọng cho sự phát triển

Ngày 19/11/1997 là một cột mốc quan trọng trong lịch sử của ngành viễn thông Việt Nam. Với việc kết nối mạng Internet toàn cầu, Việt Nam chính thức kết nối với xa lộ thông tin, kho kiến thức khổng lồ của nhân loại.

Sau 20 năm phát triển tại Việt Nam, đến nay, có thể nói, internet đã dần làm thay đổi thói quen, nhận thức con người và hầu như mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Từ một người nông dân, một người công nhân, học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sỹ… đều có thể tìm được những thông tin cần thiết trên Internet và ứng dụng vào cuộc sống.

Để có được sự phát triển mạnh mẽ của Internet như hiện nay, cần ghi nhận sự phát triển vượt bậc của hạ tầng viễn thông, CNTT Việt Nam. Từ con số 0 của những năm đầu thập niên 90, Việt Nam đã trở thành một trong những nước triển khai mạng 2G từ rất sớm, tiếp tục phát triển lên 3G và 4G với hạ tầng viễn thông, Internet hiện đại phủ rộng trên khắp lãnh thổ từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo. Theo số liệu thống kê đầu năm 2017, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, nằm trong Top những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á.

“So sánh với hơn 31 triệu người dùng vào năm 2012; 17 triệu của 10 năm trước hay 205.000 người trong thời đầu của Internet quay số qua mạng điện thoại công cộng, có thể nói, Việt Nam đã có những bước tiến thật sự ấn tượng” - Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn nhận định.

Trong những năm qua, Việt Nam đã và đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của CNTT, công nghiệp nội dung số và ứng dụng giá trị gia tăng trên Internet, song hành cùng sự phát triển của các lĩnh vực như truyền thông, quảng cáo, trò chơi điện tử, thương mại điện tử, thanh toán điện tử. Cùng với thành tựu của các doanh nghiệp hạ tầng Internet như Viettel, VNPT, FPT, CMC, NetNam, Việt Nam cũng đã có nhiều doanh nghiệp nội dung số lớn như VTC, VNG, VC Corp... Các doanh nghiệp này không chỉ có chỗ đứng vững vàng trong nước mà đã vươn ra thị trường khu vực và quốc tế. Theo Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), hạ tầng Internet – viễn thông luôn là xương sống của sự phát triển Internet trong 20 năm qua tại Việt Nam.

Bài toán trong giai đoạn mới

Trong giai đoạn tiếp theo, phát triển, hiện đại hóa hạ tầng, phổ cập Internet di động tới tất cả người dân cần tiếp tục là ưu tiên quan trọng của Chính phủ. Trong tương lai, Internet không còn bó hẹp trong nội dung số, với khả năng tác động 2 – 3% GDP. Thay vào đó, Internet đã không thể tách rời với các ngành thương mại dịch vụ như ngân hàng, giao thông, y tế… với khả năng tác động tới 40 – 50% GDP Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam nên cân nhắc lựa chọn những ngành dịch vụ mới, có nhiều tiềm năng, như thanh toán, Smart City, Smart Solutions,  IoT... để đầu tư, đón đầu xu hướng thế giới.

Chia sẻ thêm về điều này, ông Lê Hồng Minh - Chủ tịch VNG - cho rằng: dự đoán tương lai rất khó vì 20 năm trước khi nghĩ Internet, không ai nghĩ được về những điều đang diễn ra hôm nay. Theo ông Minh, chúng ta không nên quá nặng nề với vấn đề quản lý Internet như thế nào, bởi đó là điều mà thế giới cũng không có ai làm một cách triệt để được. Vấn đề là cần ứng dụng Internet và phát triển những giá trị trên nền tảng đó, mang lại lợi ích cho đời sống con người. Một điều chắc chắn, Internet nói riêng, công nghệ nói chung là một phần không tách rời của lĩnh vực trong đời sống kinh tế.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, thế giới hiện nay đã bước đến giai đoạn mà không một lĩnh vực, một ngành nghề nào có thể tách rời khỏi CNTT và Internet. Đặc biệt khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế số, ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều phải tiến tới kết nối số, tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi không ngừng theo sự phát triển của công nghệ, nếu không muốn bị tụt lại phía sau.

“Bộ TT-TT sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp viễn thông, Internet, nội dung số của Việt Nam, với mục tiêu cao nhất là hướng tới một thị trường Internet, nội dung số bình đẳng và bền vững để trong những năm tới, để có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam tiến ra nước ngoài thành công, ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ thế giới” – Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Thúc đẩy kết nối số, phát triển hệ sinh thái

Cũng theo VIA, Chính phủ cần sớm ban hành, triển khai vào thực tế các quy định hỗ trợ, “giảm bớt sự chồng chéo, ràng buộc”, tháo gỡ các rào cản để doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Internet trong nước phát triển (về thuế, điều kiện kinh doanh, thủ tục cấp phép hiện hành…), tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước được cạnh tranh bình đẳng, công bằng hơn với các doanh nghiệp nước ngoài, cụ thể là doanh nghiệp Internet xuyên biên giới, hạn chế tình trạng bảo hộ ngược, miễn là các giải pháp đó phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế.

Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc VNPT thì cho rằng, cách đây 20 năm, khi “mở cửa” Internet, lúc đó những từ ngữ chúng ta thường dùng là xa lộ thông tin - mang tính chất hạ tầng. 20 năm nay, chúng ta nhìn toàn bộ, nội dung chính là vấn đề cốt lõi là mang Internet đến mọi con người trong xã hội.

“Tôi thấy cần phải phát triển nội dung số và tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển nội dung số. Chúng tôi tạo ra hạ tầng tốt cho các ý tưởng được phát huy. Đó là hạ tầng để các dịch vụ nội dung số có thể phát triển nhanh nhất, tốt nhất. Chúng ta cần bắt tay nhau để cùng phát triển và khuyến khích cộng đồng phát triển các dịch vụ, cùng hưởng lợi. Sự bắt tay giữa doanh nghiệp hạ tầng, nền tảng với doanh nghiệp nội dung số là điều vô cùng cần thiết để Internet ở Việt Nam tiếp tục phát triển và mang lại những giá trị đích thức cho kinh tế - xã hội, đời sống đất nước” – ông Liêm cho biết.

Bên cạnh đó, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương cho rằng, kinh tế số phải dựa trên nền tảng Internet rất mạnh. Hiện nay, Internet đã chuyển qua Internet di động. Do đó, 4G và 5G sẽ là nền tảng quan trọng cho Việt Nam thực hiện mục tiêu kinh tế số, hay còn gọi là cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kinh tế số cần rất nhiều vấn đề, ví dụ như đẩy mạnh hạ tầng về cloud, các công nghệ mới như robot, trí tuệ nhân tạo. Nhưng nền tảng để thực hiện kinh tế số vẫn là hạ tầng viễn thông di động mạnh mẽ. Hạ tầng Internet Việt Nam hiện nay đã cơ bản hoàn thiện từ cáp quang, đến mạng viễn thông di động 3G, 4G. Tuy nhiên khi nội dung số và các dịch vụ IoT phát triển, cần phải tiếp cận mạng 5G.

Hàng loạt dịch vụ mới trên nền tảng IoT có tính di động cao và sử dụng nhiều data sắp ra đời sẽ khiến cho mạng 3G và 4G khó đáp ứng được nhu cầu. Các dịch vụ IoT sẽ có mặt khắp nơi, chi phối mọi mặt của bất kỳ nền kinh tế - xã hội nào. Tuy nhiên để có 5G thì cần phải hoàn thiện mạng cáp quang và 4G cùng một cách đồng bộ và đủ mạnh. Xu hướng Internet di động từ 3G lên 4G và 5G là tất yếu. Vấn đề là Chính phủ có cách tiếp cận hợp lý, bước đi phù hợp về cả việc chuẩn bị hạ tầng cũng như quản lý, cấp phát tần số liên quan.

Có thể bạn quan tâm