Từ 1/1, luật tuyển dụng mới của Pháp bắt đầu có hiệu lực, buộc các tổ chức có trên 50 nhân viên phải đàm phán để xác lập “quyền ngắt kết nối của người lao động”. Biện pháp được Pháp đưa ra nhằm xử lý văn hóa làm việc “luôn sáng đèn”, dẫn đến việc không trả lương làm ngoài giờ tăng đột biến, đồng thời cho phép người lao động sự linh động bên ngoài công sở.
Theo đó, việc lạm dụng thiết bị điện tử bị cho là nguyên nhân của mọi vấn đề: từ kiệt sức, mất ngủ đến các vấn đề trong quan hệ cá nhân khi nhiều người không rõ mình có quyền tắt máy hay không...
Bộ trưởng Lao động Myriam El Khomri là người đề xướng luật mới. Bà cũng là người ủy quyền cho báo cáo cảnh báo tác động đến sức khỏe khi sử dụng thiết bị điện tử quá mức vào tháng 9/2015.
Theo luật mới, các công ty phải thỏa thuận với nhân viên để thống nhất về quyền tắt máy và các cách thức giảm ảnh hưởng của công việc đến đời sống riêng tư. Nếu không thể thỏa thuận được, người tuyển dụng phải công khai điều lệ làm sáng tỏ các yêu cầu và quyền lợi của nhân viên sau giờ làm.
Trả lời BBC, luật gia người Pháp Benoit Hamon miêu tả luật là câu trả lời cho tình trạng nhân viên “rời văn phòng nhưng không rời công việc. Họ vẫn bị ràng buộc bởi sợi xích công nghệ, như một con chó”.
Tờ Libération của Pháp khen ngợi động thái của chính phủ trong bài báo hôm 30/12, cho rằng luật là cần thiết vì “nhân viên thường bị đánh giá về lòng tận tụy đối với nhân viên và mức độ sẵn sàng của họ”.
Vài tập đoàn lớn như Volkswagen và Daimler của Đức hay công ty năng lượng hạt nhân Areva và bảo hiểm Axa của Pháp đều đã thực hiện một số bước tiến nhằm giới hạn các tin nhắn ngoài giờ đến nhân viên. Một số biện pháp bao gồm không kiểm tra email vào buổi tối, cuối tuần hay thậm chí hủy các email tự động gửi đến nhân viên khi họ đang trong kỳ nghỉ.
Nghiên cứu xuất bản hồi tháng 10 của tổ chức Eleas chỉ ra hơn 1/3 người lao động Pháp sử dụng thiết bị để làm việc sau khi tan sở hàng ngày. Khoảng 60% muốn luật pháp làm rõ quyền lợi của họ. Tuy nhiên, chuyên gia điện toán và cân bằng công – tư Anna Cox của Đại học Luân Đôn cho rằng các công ty cần cân nhắc nhu cầu từ nhân viên để bảo đảm sự linh hoạt cho họ.
“Với một số người, họ muốn làm việc 2 tiếng mỗi tối nhưng muốn được nghỉ ngơi vào khoảng từ 3 đến 5 giờ chiều khi đón con và nấu bữa tối”, bà nói. Người khác lại muốn tranh thủ thời gian đi làm để làm xong việc trước khi đến công ty.
Ngoài ra, bà cho biết thế giới công sở đang thay đổi nhanh chóng như chính bản thân công nghệ khi ngày càng nhiều người làm việc từ xa hoặc làm việc với đồng nghiệp khác múi giờ. Theo bà, những thách thức đi kèm với sự linh hoạt còn có điều tiết ranh giới giữa công việc – gia đình và khả năng nói “tôi không làm việc lúc này”. Một trong các hiệu ứng tích cực mà luật mới mang lại là khuyến khích “đối thoại giữa mọi người về kỳ vọng của họ”, theo bà Cox.