Cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ, Internet vạn vật (IoT) đã trở thành nguồn cảm hứng mới cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới, là cơ hội cho sự bùng nổ kinh doanh của các start-up, mở ra nguồn doanh thu mới trong tương lai cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ.
Việc kết nối các thiết bị thông minh vào mạng Internet đã tạo ra một bước đột phá về cách mà chúng ta sống và làm việc. Các thiết bị IoT khi ứng dụng vào hoạt động kinh doanh có thể giúp tăng năng suất, cải thiện quy trình, tối ưu hóa chi phí và đặc biệt là nâng cao trải nghiệm người dùng.
Việt Nam đang đi sau thế giới về IoT
IoT (Internet of Things) là một lĩnh vực đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam. Theo báo cáo của GSMA Intelligence, số lượng các thiết bị IoT tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 21 triệu vào năm 2018 lên đến 96 triệu vào năm 2025. Còn theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), quy mô thị trường IoT Việt Nam đã đạt hơn 2 tỷ USD vào năm 2019, dự kiến có thể đạt 7 tỷ USD vào năm 2025.
Các ứng dụng IoT đang được triển khai rộng rãi tại Việt Nam bao gồm: thành phố thông minh, nhà thông minh, quản lý năng lượng, giám sát môi trường, quản lý giao thông, quản lý chất lượng nước và nhiều ứng dụng khác.
Tuy nhiên, việc triển khai IoT còn đối mặt với nhiều thách thức như nhân lực, hạ tầng kỹ thuật yếu, chi phí đầu tư cao và an ninh thông tin.
Tại sự kiện M2M IoT 2023 diễn ra vào sáng 14/6 tại Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) cho biết trong lĩnh vực IoT, Việt Nam đang đi sau thế giới. Do đó, Việt Nam cần nỗ lực lớn hơn để đạt mật độ kết nối trên dân số tương đương thế giới.
"Để làm được việc này, chúng ta cần sự đồng hành, hợp tác của mọi doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực như phát triển giải pháp và cung ứng sản phẩm ra thị trường," ông Nguyễn Trọng Tính chia sẻ.
Một người Việt Nam trung bình chỉ 0,2 kết nối IoT, trong khi thế giới là khoảng 2 kết nối/người. Lý giải về câu chuyện này, ông Lê Ngọc Quý - Giám đốc Trung tâm IoT Viettel Hightech cho rằng vấn đề ở đây chính là động lực thị trường. "Nhân sự Việt Nam rất rẻ, một chị giúp việc hay bác bảo vệ thuê chỉ mất vài triệu nhưng có thể kiêm nhiệm rất nhiều công việc. Chính vì nhân công giá rẻ như vậy nên thị trường chưa có đủ động lực để chuyển đổi sang tự động hóa.
Các doanh nghiệp Việt Nam muốn có một con số cụ thể về giá trị đem lại của IoT, tuy nhiên công nghệ này quá mới, chưa có số liệu đo lường về khả năng hiệu quả nên khó thuyết phục đầu tư.
Để đầu tư về nhân lực vận hành cũng là điều khiến nhiều doanh nghiệp phải suy nghĩ. Đây là những lý do khiến hạ tầng IoT chưa thực sự phát triển tại Việt Nam," ông Quý cho biết.
Rào cản nào với IoT tại Việt Nam?
Theo Thạc sĩ Nguyễn Minh Thi - Kiến trúc sư IoT (Viettel Network), vấn đề cốt lõi chính là rào cản về công nghệ. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã ý thức được những lợi ích của IoT, cũng có nhiều doanh nghiệp có lời giải, giải pháp cho các yêu cầu này. Tuy nhiên khi triển khai, doanh nghiệp đang gặp phải rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phải tự xử lý và tự đi một mình.
"Nếu có thể chia sẻ tri thức IoT trong cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta sẽ giúp họ rút ngắn được rất nhiều chi phí về nhân lực, vật lực, thời gian. Điều này chỉ có thể giải quyết khi các doanh nghiệp công nghệ số Việt đi cùng nhau," ông Thi cho biết.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh (Khoa Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho hay, chúng ta đang thiếu các kỹ sư trưởng, những người có thể phân tích được về khía cạnh kinh doanh cho chủ doanh nghiệp để họ hiểu những lợi ích của việc ứng dụng IoT.
Lý giải về việc Việt Nam đang đi sau thế giới về công nghệ IoT, ông Minh cho rằng, thị trường Việt Nam quá nhỏ, do vậy, để bù lại chi phí nghiên cứu phát triển là rất khó.
"Chúng ta đang vừa thừa vừa thiếu nhân lực phát triển IoT. Số lượng các sinh viên được đào tạo điện tử khoảng vài trăm mỗi năm, doanh nghiệp khó hấp thụ hết được. Tuy nhiên, chúng ta lại thiếu những người hiểu biết về hệ thống để có thể phát triển, kiểm định sản phẩm từ đầu đến cuối, đưa nó ra thị trường. Nói cách khác, Việt Nam thiếu các nhân sự cấp cao về phát triển IoT," ông Minh nói.
Đưa ra giải pháp, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh cho biết, để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực cấp cao về IoT, Đại học Bách Khoa Hà Nội đang tìm cách đẩy các bạn sinh viên gần hơn với hoạt động của doanh nghiệp để bổ sung thêm góc nhìn thực tế, thay vì chỉ lý thuyết trên nhà trường.
"Đây là cách tốt nhất để các bạn sinh viên có thể hiểu hơn doanh nghiệp đang cần gì, "nỗi đau" của thị trường là gì, từ đó định hướng nghề nghiệp cho mình. Hy vọng từ những "hạt mầm" này sẽ hình thành nên các start-up, góp phần tạo thêm động lực thúc đẩy cả ngành IoT phát triển," ông Minh nói.