Điều tồi tệ xảy ra khi lấy máu là phải chọc thêm một hoặc nhiều hơn mũi kim khác vào cơ thể sau khi đợt lấy máu đầu tiên thất bại. Để giảm thiểu sai sót gây đau đớn và khó chịu này, các nhà nghiên cứu từ Đại học Rutgers và Bệnh viện Mount Sinai (Mỹ) đã phát triển một robot có thể “nhìn thấy” ven ở dưới da con người và thực hiện công tác lấy máu “tốt hơn” con người. Giảm nỗi ám ảnh và các nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng hay tụ huyết khi lấy máu.
Theo Engadget, việc lấy máu từ bệnh nhân có tĩnh mạch dễ tiếp cận tương đối dễ dàng, nhưng điều này sẽ khó hơn với các bệnh nhân không bắt được mạch hoặc những người gầy gò hốc hác. Trong tình huống đó, các nhân viên y tế có thể sẽ phải dùng máy siêu âm để nhìn tĩnh mạch rõ hơn trước khi lấy máu. Mẫu robot lấy mẫu máu mới sẽ không cần đến bước đó vì nó tích hợp công nghệ siêu âm để định vị kim lấy máu. Hệ thống hoàn chỉnh bao gồm một module xử lý mẫu và máy phân tích máu dựa trên máy ly tâm.
Các nhà nghiên cứu cho biết, nhờ dễ dàng truy cập vào tĩnh mạch, máy có thể lấy máu thành công với xác suất chung là 87% trên tổng số 31 người thử nghiệm. Theo báo cáo hiện nay, các bác sĩ lâm sàng có tỷ lệ thất bại từ 27-60% khi lấy máu cho các bệnh nhân khó bắt mạch, tùy thuộc vào từng đối tượng.
Hiện robot này vẫn đang còn là một nguyên mẫu và các nhà nghiên cứu có khả năng cải thiện tỷ lệ thành công của nó cao hơn. Hy vọng nó sẽ sớm được thương mại hóa và trang bị cho các trung tâm y tế phổ biến trên thế giới.