Người đứng đầu bộ phận tự động hóa của Foxconn, Dai Jia-peng, cho biết công ty sẽ chia kế hoạch tự động hóa làm ba giai đoạn.
Giai đoạn đầu trong kế hoạch tự động hóa liên quan đến việc thay thế những công nhân mà công ty cảm thấy không còn phù hợp cho công việc. Giai đoạn thứ hai liên quan đến việc cải thiện hiệu quả công việc bằng cách tinh giản dây chuyền sản xuất để giảm số lượng robot dư thừa. Giai đoạn thứ ba và là cuối cùng liên quan đến việc tự động hóa toàn bộ nhà máy.
Tuy nhiên, Jia-peng nói thêm rằng, trong giai đoạn thứ ba, chỉ một số lượng tối thiểu người lao động được tham gia vào các khâu sản xuất, hậu cần, kiểm tra và đánh giá quy trình.
Trong thực tế, kế hoạch tự động hóa sản xuất đã được Foxconn đưa ra trong nhiều năm. Công ty cho biết hồi năm 2015 rằng họ đã thiết lập một chuẩn mực tự động hóa ở mức 30% tại các nhà máy của Trung Quốc vào năm 2020. Hiện nay công ty có thể sản xuất khoảng 10.000 Foxbot trong một năm, tất cả đều có thể được sử dụng để thay thế người lao động. Trong tháng 3.2016, Foxconn cho biết họ đã cắt giảm 60.000 lao động để thay thế bằng robot.
Về lâu dài, chi phí sản xuất bằng robot rẻ hơn so với con người, tuy nhiên việc đầu tư ban đầu có thể rất tốn kém. Robot cũng yêu cầu nhiều thời gian để lập trình khi thực hiện nhiệm vụ, cũng như thời gian tái lập trình để nó có thể thực hiện nhiệm vụ ngoài chức năng ban đầu. Đó là lý do tại sao các thị trường yêu cầu nhiều lao động như Trung Quốc vẫn dựa vào con người thay vì robot. Nhưng để có thể cạnh tranh, Foxconn hiểu rằng họ phải chuyển sang tự động hóa.
Báo cáo mới đây của The New York Times cho biết, nhà máy lớn nhất của Foxconn được đặt tại tỉnh Trịnh Châu (Trung Quốc) là nơi sản xuất 500.000 chiếc iPhone mỗi ngày, điều này khiến dân địa phương gọi đó là “thành phố của iPhone”. Jia-peng cho biết, nhà máy Foxconn ở tỉnh Trịnh Châu có một dây chuyền sản xuất đã ở giai đoạn tự động hóa thứ hai và sẽ hoàn toàn tự động hóa trong một vài năm tới.