Ban tổ chức cho biết, Sao Khuê 2016 sẽ có nhiều thay đổi mang tính đột phá và thời sự, bám sát vào những bước chuyển mình nền CNTT-Viễn thông Việt Nam cũng như xu thế công nghệ thế giới.
Cụ thể, VINASA sẽ lần đầu tiên công bố “Top 10 Danh hiệu Sao Khuê” dành cho 10 sản phẩm và dịch vụ được công nhận “Danh hiệu
Theo bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Tổng thư ký VINASA: “Việc mở rộng thêm 5 lĩnh vực xét trao danh hiệu Sao Khuê nhằm mục đích khuyến khích những dịch vụ, sản phẩm hứa hẹn trở thành xu thế công nghệ trong thời gian tới. Các sản phẩm, dịch vụ và ứng dụng Y tế, chăm sóc sức khỏe, Giáo dục đào tạo, Du lịch lữ hành v.v… trong thời gian qua đã chứng tỏ được thế mạnh của mình khi trở thành công cụ trợ giúp đắc lực cho người dùng”.
Thực tế thị trường CNTT Việt Nam trong nhiều năm qua cho thấy sự phát triển nhanh và mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng đối với các sản phẩm, ứng dụng và giải pháp Quản lý bán hàng; Y tế, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp; Du lịch, quản lý nhà hàng/khách sạn; Smart home; ứng dụng di động cho giáo dục và đào tạo.
Đối với việc ứng dụng CNTT vào y tế, theo đại diện Qualcomm khu vực Đông Dương, Y tế thông minh tại Việt Nam vẫn còn rất mới, nếu giải quyết được chắc chắn nhiều bệnh nhân sẽ được hưởng lợi, đặc biệt là các bệnh nhân ở nông thôn.
Cùng đó, về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, ngày càng nhiều các doanh nghiệp CNTT đưa ra những giải pháp không chỉ về quản lý mà còn hướng tới cung cấp những ứng dụng, giải pháp nhằm trang bị kiến thức cho người dùng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng hết sức chú trọng vào việc cải cách nền giáo dục theo hướng hiện đại hóa. Cụ thể, ngày 9/6/2014, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 44/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Trong đó, ứng dụng CNTT vào công tác giáo dục, đào tạo và dạy nghề là một trong 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đưa nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Có thể dễ dàng nhận thấy, tại Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều các sản phẩm, dịch vụ và ứng dụng liên quan đến ngành giáo dục – đào tạo, cung cấp cho người dùng công cụ hữu hiệu trong việc thu thập và trang bị kiến thức.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực Du lịch, hàng loạt các ứng dụng, giải pháp công nghệ mang tính đột phá được giới thiệu ra thị trường, giúp quảng bá du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế cũng như trở thành "hướng dẫn viên du lịch ảo" cho người dùng, góp phần phát triển ngành du lịch không khói của Việt Nam. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ Hành thế giới cùng các Tổ chức Du lịch, doanh thu từ ngành du lịch là một phần quan trọng góp phần vào GDP nội địa, cũng như phát triển việc làm và kinh tế trong nước. Nhà báo nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực du lịch - Garzotto đã viết: “Ngành công nghiệp du lịch có thể được xem như là một trong những lĩnh vực kinh doanh đầu tiên sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho mục đích phát triển và quảng bá du lịch”. Theo thống kê, trong năm 2014, ngành du lịch và lữ hành Việt Nam đã đóng góp 182 nghìn tỷ đồng vào GDP. Việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực này hứa hẹn sẽ tiếp tục đem lại những giá trị to lớn cho du lịch.
Không chỉ giúp các doanh nghiệp trong việc quảng bá, tiếp thị, xây dựng thương hiệu, định hướng người tiêu dùng, Danh hiệu Sao Khuê còn góp phần thực hiện mục tiêu Ứng dụng CNTT vào mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, xã hội – mục tiêu đã được Đảng và Chính phủ xác định là nhiệm vụ hàng đầu giúp nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó đặc biệt là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”.