Mặc dù mỗi nước có thể phải đối mặt với những rủi ro và thách thức khác nhau, năm nguyên tắc cốt lõi sau đây sẽ định hướng cho quá trình hoạch định chính sách để quản lý AI hiệu quả trong năm 2024 và tương lai sắp tới.
2023 – năm bùng nổ nhận thức về trí tuệ nhân tạo
Mặc dù trí tuệ nhân tạo, ở dưới nhiều dạng thức, đã âm thầm hỗ trợ cho cuộc sống của con người trong nhiều thập kỷ qua, nhưng với sự đột phá về công nghệ trong những năm gần đây, đặc biệt là sự ra đời của Chat GPT4, 2023 đã được ghi nhớ như một thời điểm bùng nổ của loại hình công nghệ này. Với sự ra đời của AI thế hệ mới, công nghệ này đã tạo ra những đột phá trong nhận thức phổ biến và đang định hình diễn ngôn của công chúng, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và kinh tế, khơi dậy sự cạnh tranh địa chính trị và thay đổi mọi hoạt động của con người, từ giáo dục, y tế đến nghệ thuật.
Sự phát triển ngoạn mục của AI được tính theo từng tuần. Loại hình công nghệ này sẽ không biến mất và đang tạo ra những thay đổi nhanh chóng và mang tính bước ngoặt đưa đến một cuộc tranh luận chưa từng có về việc liệu AI đang mở ra một kỷ nguyên mới cho sự sáng tạo và thịnh vượng của con người hay đang mở ra chiếc hộp Pandora chứa đựng một tương lai đầy ác mộng?
Cần cách tiếp cận toàn cầu
Sau những bối rối ban đầu, các chính phủ và tổ chức quốc tế cũng như khu vực đã có nhứng bước tiến quan trọng trong hoạch định chính sách để quản lý AI với nhiều sáng kiến pháp lý và dự luật mới đã được giới thiệu. Mặc dù không thể phủ nhận những nỗ lực không ngừng của G7, Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ trong việc hoàn thiện khung pháp lý về quản lý AI là đáng khích lệ, nhưng không có nỗ lực nào trong số đó mang tính phổ quát, đại diện cho lợi ích chung toàn cầu. Thực tế là, sự phát triển AI được thúc đẩy bởi một số công ty công nghệ hàng đầu thế giới ở một số quốc gia phát triển hàng đầu, do vậy tiếng nói của đa số - đặc biệt là từ Nam bán cầu, đã vắng mặt trong các cuộc thảo luận về quản trị.
Những thách thức đặc biệt mà AI đặt ra đòi hỏi một cách tiếp cận phổ quát để quản trị và chỉ có một tổ chức được trao tính hợp pháp toàn diện cần thiết để tổ chức một phản ứng như vậy là Liên Hợp Quốc. Thế giới phải quản trị AI đúng cách nếu muốn khai thác tiềm năng và giảm thiểu rủi ro. Với ý nghĩ đó, Cơ quan tư vấn cấp cao của Liên Hợp Quốc về AI đã được thành lập và đưa ra các phân tích và khuyến nghị nhằm giải quyết khoảng trống quản trị toàn cầu về lĩnh vực này.
5 nguyên tắc chỉ đạo
Sau đây là khuyến nghị của các nhà tư vấn cấp cao về những nguyên tắc cho bất kỳ chính phủ, tổ chức nào muốn xây dựng quy định pháp lý về AI.
Đầu tiên, vì AI là công cụ để phát triển kinh tế, khoa học, xã hội; hỗ trợ đắc lực cho người trong cuộc sống hàng ngày nên nó phải được quản lý trên cơ sở lợi ích công cộng. Điều đó có nghĩa là phải lưu ý đến các mục tiêu liên quan đến công bằng, tính bền vững, phúc lợi xã hội và cá nhân, cũng như các vấn đề cơ cấu rộng hơn như thị trường cạnh tranh và hệ sinh thái đổi mới lành mạnh.
Thứ hai, các khung pháp lý ở các khu vực khác nhau sẽ cần phải được hài hòa hóa và phải có sự phối hợp để giải quyết các thách thức quản trị toàn cầu của AI một cách hiệu quả.
Thứ ba, quản trị AI phải đi đôi với các biện pháp duy trì quyền tự chủ và bảo vệ quyền riêng tư cũng như tính bảo mật của dữ liệu cá nhân.
Thứ tư, quản trị phải được gắn chặt với Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật nhân quyền quốc tế và các cam kết quốc tế khác ở những nơi có sự đồng thuận rộng rãi trên toàn cầu, chẳng hạn như các Các mục tiêu phát triển bền vững.
Cuối cùng, AI được xây dựng dựa trên lượng lớn sức mạnh của các thuật toán, dữ liệu và tất nhiên, tài năng cụ thể của con người. Quản trị toàn cầu phải xem xét cách phát triển và đảm bảo khả năng tiếp cận rộng rãi cả ba yếu tố này; đồng thời cũng phải giải quyết việc xây dựng năng lực cho cơ sở hạ tầng cơ bản làm nền tảng cho hệ sinh thái AI - chẳng hạn như băng thông rộng và nguồn điện đáng tin cậy. Điều này hoàn toàn không đơn giản ở những quốc gia cơ sở hạ tầng còn kém phát triển như các nước phía Nam.
Quản trị tốt dựa trên giám sát tốt
Cũng cần có những nỗ lực lớn hơn để đối mặt với cả những rủi ro đã biết và chưa thể biết có thể xuất hiện từ quá trình phát triển, triển khai hoặc sử dụng AI. Rủi ro AI là một chủ đề được tranh luận sôi nổi. Trong khi một số người lo lắng về sự kết thúc của loài người khi AI nổi dậy chiếm quyền lãnh đạo, những người khác lại lo lắng hơn về những tác hại của những ứng dụng vượt tầm kiểm soát đối với con người ở ngay hiện tại. Tuy nhiên, hầu hết đều nhất trí cho rằng, những rủi ro của AI cần phải được quản lý.
Thế giới có thể quản trị tốt AI dựa trên những dự liệu và sự quan sát chính xác. Các nhà tư vấn thấy trước nhu cầu đánh giá khách quan về thực trạng AI và quỹ đạo của nó, nhằm cung cấp cho người dân và chính phủ nền tảng vững chắc về chính sách và quy định. Đồng thời, có thể thiết lập các cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi, phân tích để đánh giá tác động xã hội của AI – từ xu hướng dịch chuyển việc làm đến các mối đe dọa an ninh quốc gia. Từ đó, giúp các nhà hoạch định chính sách theo kịp những thay đổi to lớn mà AI đưa đến.
Cộng đồng quốc tế sẽ cần phát triển năng lực tự giám sát, bao gồm cả giám sát và ứng phó với các sự cố có khả năng gây mất ổn định. Quy trình này giống như cách các ngân hàng trung ương lớn thường làm khi đối mặt với khủng hoảng tài chính bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho trách nhiệm giải trình và thậm chí cả hành động thực thi.
Các nhà tư vấn khẳng định, trên đây là những gợi ý nhưng chỉ là những nền tảng cho bất kỳ thiết kế chính sách nào. Nếu các chính phủ muốn phát huy hết tiềm năng toàn cầu của AI thì cần có các cấu trúc và rào chắn mới để giúp AI phát triển một cách an toàn, công bằng và có trách nhiệm của AI. Quản trị AI toàn cầu là điều cần thiết để tận dụng những cơ hội quan trọng và giải quyết những rủi ro mà công nghệ này gây ra cho mọi quốc gia, cộng đồng, cá nhân ngày nay cũng như các thế hệ mai sau.