Siêu máy tính AI có thể nâng giá trị vốn hóa của Tesla lên hơn 1.200 tỷ USD

Tạp chí Nhịp sống số - Giá cổ phiếu Tesla đã tăng vọt sau khi Morgan Stanley dự đoán giá trị của công ty ô tô điện sẽ tăng trên 1.200 tỷ USD nhờ đầu tư vào siêu máy tính trí tuệ nhân tạo (AI).

Morgan Stanley dự báo rằng, hệ thống AI “Dojo” của Tesla - được sử dụng để huấn luyện ô tô không người lái - có thể mang lại cho công ty lợi thế trước các nhà sản xuất ô tô đối thủ.

Tesla cho hay công ty dự kiến đầu tư hơn 1 tỷ USD vào siêu máy tính Dojo, một hệ thống công suất cao sử dụng hàng nghìn chip tùy chỉnh có thể xử lý số lượng lớn cảnh quay video được ô tô thu thập.

Tỷ phú Elon Musk, Giám đốc điều hành (CEO) của Tesla, đã nói rằng phần mềm không người lái sẽ tăng đáng kể giá trị cho những chiếc ô tô của ông, mặc dù sự xuất hiện của những chiếc Tesla tự hành tốn nhiều thời gian hơn dự đoán trước đó.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho hay giới đầu tư từ lâu đã tranh luận về việc Tesla là công ty ô tô hay công ty công nghệ. Theo họ, Tesla là cả hai, nhưng yếu tố thúc đẩy giá trị lớn nhất cho công ty ở đây sẽ là doanh thu từ phần mềm và dịch vụ.

Theo Morgan Stanley, doanh thu từ Dojo và việc cấp phép công nghệ cho các nhà sản xuất ô tô khác đồng nghĩa với việc giá cổ phiếu của Tesla sẽ tăng từ 248,50 USD/cổ phiếu lên 400 USD/cổ phiếu. Khi đó, giá trị thị trường của Tesla sẽ tăng từ 789 tỷ USD lên 1.270 tỷ USD. Thậm chí trong kịch bản lạc quan nhất, Morgan Stanley ước tính giá trị của Tesla có thể vượt 1.700 tỷ USD.

Khép phiên 11/9, cổ phiếu Tesla tăng hơn 10% lên 273,58 USD/cổ phiếu, nâng tổng giá trị vốn hóa thị trường của công ty lên hơn 850 tỷ USD.

Phiên bản chạy thử (beta) cho hệ thống tự hành Full Self Driving đã có sẵn để các chủ sở hữu Tesla ở Mỹ và Canada tải về xe của họ. Ông Musk đã nhiều lần dự đoán những chiếc xe này sẽ sớm có thể hoạt động như những chiếc “taxi robot” hoàn chỉnh.

Tỷ phú Elon Musk ngày càng tập trung vào công nghệ AI khi số lượng nhà sản xuất ô tô chạy điện, đặc biệt là ở Trung Quốc, gia tăng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, công nghệ xe tự hành của Tesla đã khiến công ty liên tục bị các cơ quan quản lý giám sát gọi tên. Phiên bản đơn giản hơn của Full Self Driving – Autopilot - là đối tượng của nhiều cuộc điều tra liên quan đến hàng loạt mối lo ngại khác nhau, từ phanh ảo cho đến việc không dừng xe lại khi tới gần các phương tiện khẩn cấp (như xe cấp cứu, xe cứu hỏa).

Dù vậy, nhiều nhà bình luận công nghệ vẫn tỏ ra rất ấn tượng với những cải tiến trong hệ thống Full Self Driving của công ty, hệ thống đang được hàng nghìn chủ sở hữu thử nghiệm.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.