Trong mắt người bình thường, 1 viên kẹo hoặc 1 gói đường chỉ là thực phẩm không hơn không kém. Nhưng kỳ lạ thay, trong mắt nhiều nhân viên thu ngân ở 1 số siêu thị, chúng lại được coi như 1 loại tiền chuyên dùng để… trả cho khách mỗi khi thiếu 500đ, 1.000đ.
Loại "tiền" này cũng đa dạng về “hình thức” vô cùng, trong đó phổ biến nhất là 4 loại dưới đây.
Trong 1-2 năm trở lại đây, loại đường gói mini này bỗng dưng trở thành “đồng tiền giao dịch” đặc biệt tại 1 số siêu thị. Thực chất, 1 gói đường có giá bán lẻ chỉ 500đ, nếu mua theo “lố” thì mức giá chắc chắn còn rẻ hơn nhiều.
Kẹo Oishi cũng là “đồng tiền” quen thuộc khiến nhiều người tiêu dùng ngao ngán mỗi khi thanh toán hóa đơn tại 1 số siêu thị. Trên chợ mạng, bạn có thể mua lẻ 1 viên kẹo Oishi với giá 1.000đ, nhưng nếu mua cả gói 90g (gồm khoảng 30 viên) thì mức giá chỉ khoảng 4.800 - 6.000đ/gói. Tính ra, 1 viên có giá chỉ 160 - 200đ mà thôi!
Nhắc đến các loại “tiền không danh phận” tại siêu thị chắc chắn không thể bỏ qua kẹo cao su Cool Air. Một gói 100 viên có giá bán khoảng 84.000đ, vị chi mỗi viên có giá chỉ 763đm còn thiếu gần 300đ nữa mới đủ 1.000đ nhé các siêu thị ơi!
Kẹo Dynamite cũng là “cái tên vàng trong làng tiền thừa”. Trên chợ mạng, 1 viên kẹo Dynamite bán lẻ có giá 1.000đ. Chung nguyên tắc với kẹo Oishi, khi bạn mua cả gói lớn thì khi chia ra, 1 viên kẹo Dynamite chắc chắn có giá thấp hơn rất nhiều so với con số 1.000đ!
Thực tế là, tình trạng trả tiền thừa bằng kẹo hay gói đường giờ đã giảm nhiều, tuy nhiên vẫn còn 1 vài nơi “ép” người tiêu dùng phải nhận “tiền thối” bằng những thứ này với lý do cố hữu “hết tiền lẻ”. Để tránh gặp phải tình trạng này, bạn có thể sử dụng thẻ hoặc tiện nhất là dùng ví điện tử, vì hầu hết các siêu thị lớn nhỏ hiện nay đều đã áp dụng hình thức này.