Singapore chuẩn bị thông qua luật chống tin giả trên mạng Internet

Singapore chuẩn bị thông qua luật chống tin giả trên mạng Internet
Tạp chí Nhịp sống số - Singapore sắp thông qua một đạo luật buộc các trang mạng phải đăng “thông báo đính chính” hoặc gỡ bỏ thông tin giả mạo...

Singapore đang tiến gần tới thông qua một đạo luật buộc các trang mạng phải đăng "thông báo đính chính" của Chính phủ bên cạnh những nội dung bị cho là sai. Quy định mới này có thể có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các trang mạng xã hội lớn như Facebook và Twitter ở đảo quốc sư tử, hãng tin CNBC cho hay.

Luật mới có tên "Đạo luật chống tin giả và thao túng trên mạng" cho phép Chính phủ Singapore ra lệnh gỡ bỏ những nội dung không chính xác đăng tải trên mạng Internet bởi các mạng xã hội, tổ chức truyền thông hoặc cá nhân.

Trong hầu hết các trường hợp, Chính phủ sẽ quyết định khi nào nên có hành động chống lại một nội dung bị xem là giả mạo. Các trang web có quyền đề nghị tòa án rà soát các đính chính hoặc lệnh gỡ nội dung mà Chính phủ đưa ra, nhưng chỉ sau khi lệnh đó được ban hành.

"Đạo luật này nhằm giải quyết những thông tin sai lệch, không phản ánh đúng sự thật", Bộ trưởng Bộ Tư pháp Singapore K. Shanmugam phát biểu. "Đạo luật không nhằm vào quan điểm. Các bạn có thể giữ bất kỳ quan điểm nào, cho dù hợp lý hay không hợp lý".

Dự thảo luật đã được đưa ra trước Quốc hội Singapore vào tối ngày 1/4 và dự kiến có thể trở thành luật sau 1-2 tháng.

Ông Shanmugam nói rằng những kẻ xấu "thường tung tin giả, khiến dư luận hoang mang, ảnh hưởng đến các cuộc tranh luận. Điều này cản trở tự do ngôn luận, cản trở dân chủ".

Các công ty truyền thông xã hội của Mỹ đang chịu sự giám sát ngày càng gia tăng của các chính phủ ngoài Mỹ, đặc biệt là ở châu Âu. Tuy nhiên, luật mới của Singapore có vẻ tiến xa hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong Liên minh châu Âu (EU) về giám sát thông tin trên mạng.

Trong một tuyên bố ra ngày 1/4, sau khi dự luật trên của Singapore được công bố, Facebook thể hiện sự đồng tình với Chính phủ Singapore "về cam kết giảm sự lan truyền của thông tin giả mạo có chủ đích trên mạng".

Trong số các mạng xã hội hàng đầu thế giới, Facebook đang chịu sự giám sát lớn hơn cả. Những rắc rối mà Facebook gặp phải bắt đầu từ năm ngoái, sau khi công ty tư vấn chính trị Cambridege Analytica có trụ sở ở Anh bị phát hiện lợi dụng trang mạng của Facebook để gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Bộ trưởng Shanmugam nói rằng trong các cuộc trao đổi với Chính phủ Singapore, nhiều công ty công nghệ đã bày tỏ mong muốn được "thẳng tay" xóa thông tin giả mạo khỏi trang web của họ, thay vì đăng đính chính theo yêu cầu của Chính phủ đối với nội dung giả đó.

"Nhưng chúng tôi muốn các trang web giữ nguyên nội dung giả mạo ở đó, để nói lên rằng: ‘Thông tin này là không chính xác. Để biết sự thật, hãy đến những nơi thế này, thế này". Và bằng cách đó, mọi người có thể đọc bất kỳ thứ gì họ muốn và tự quyết định lấy đúng sai", ông Shanmugam nói.

Tuy nhiên, theo nội dung của luật mới, Chính phủ Singapore cũng có quyền ra lệnh "gỡ tin" đối với những thông tin giả mạo mà nhà chức trách cho là nghiêm trọng.

Có thể bạn quan tâm

Theo Bộ TT- TT, quảng cáo trên môi trường mạng ngày càng khẳng định vị thế quan trọng với hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp. Do đó cần mở rộng hơn nữa danh sách trắng để doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến.