Singapore nghiên cứu thành lập ủy ban chống tin tức giả mạo

Singapore nghiên cứu thành lập ủy ban chống tin tức giả mạo
Tạp chí Nhịp sống số - Singapore đang xem xét thành lập một ủy ban đặc biệt, chuyên đánh giá tác động của tin tức giả mạo trên mạng Internet.

Chính phủ Singapore cho rằng tin tức giả mạo đã tạo ra những thách thức thực sự nghiêm trọng

Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Bộ Tư pháp Singapore đã “bật đèn xanh” cho việc thành lập một "ủy ban tuyển chọn" bao gồm một số nghị sĩ. Ủy ban này được thành lập nhằm “nghiên cứu vấn đề cố tình đưa tin giả mạo trên môi trường mạng” và đưa ra những kiến nghị về hình thức xử phạt. Việc này sẽ được trình lên Quốc hội Singapore vào ngày 10/1.

Ủy ban chọn lọc như thế này rất ít khi được thành lập ở Singapore. Ủy ban này sẽ nghiên cứu, xem xét chi tiết các dự luật có ảnh hưởng lớn đến người dân nói chung, chẳng hạn như thuế bán hàng hay dự thảo về luật y tế. Ủy ban có thể kêu gọi nhân chứng và yêu cầu các tài liệu, hồ sơ cũng như tổ chức các buổi điều trần công khai hoặc kín. Khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, ủy ban sẽ đưa ra các khuyến nghị về lộ trình hành động và báo cáo lên Quốc hội.

Theo Zdnet, việc xem xét thiết lập một ủy ban chọn lọc để nghiên cứu tác động của tin tức giả mạo cho thấy những quan điểm cứng rắn của Singapore về tin tức giả mạo trong môi trường mạng. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Singapore sẽ giới thiệu những điều luật mới.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp Singapore từng nói hồi tháng Sáu rằng họ đang nhắm tới việc đưa ra luật mới trong năm 2018 này để chiến đấu với tin tức giả mạo. Singapore đã tổ chức lấy ý kiến người dân và có tới 91% người dân Singapore đồng ý cần có những điều luật mạnh mẽ hơn đối với nạn tin giả.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ K Shanmugam lưu ý rằng chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý tin tức giả mạo tác động đến xã hội. Các nước như Đức, Anh và Israel cũng đã có luật để quy định các mạng xã hội gỡ bỏ nội dung vi phạm, trong đó có tin tức giả  mạo.

Chính phủ Singapore đã chỉ ra công nghệ kỹ thuật số đã bị "lạm dụng nghiêm trọng" để phân phối những thông tin sai lệch và gây tổn hại đến xã hội. Các tin tức giả mạo trực tuyến cũng có thể lây lan qua các công cụ tìm kiếm, e-mail, liên kết trực tiếp đến các trang web, và tin nhắn tức thời. Báo cáo trích dẫn một nghiên cứu của Đại học Oxford cho thấy, trong Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, 40% lưu lượng truy cập web chứa thông tin sai lệch và "siêu bịa đặt" đã đến thông qua các công nghệ khác ngoài phương tiện truyền thông xã hội.

Báo cáo lưu ý rằng mặc dù các công ty công nghệ như Google và Facebook đã có những bước giải quyết vấn đề, nhưng tin tức giả mạo trực tuyến tiếp tục là vấn nạn.

Có thể bạn quan tâm

Theo Bộ TT- TT, quảng cáo trên môi trường mạng ngày càng khẳng định vị thế quan trọng với hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp. Do đó cần mở rộng hơn nữa danh sách trắng để doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến.