Đến với cuộc thi này, trước đó, hai sinh viên ngành Digital Marketing Phùng Trần Diệu Hoa và Nguyễn Trường Thịnh từ đội CATFISH đã xuất sắc giành giải Nhất vòng quốc gia với bài thuyết trình về ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy hòa nhập kinh tế cho người khuyết tật.
Hoa cho biết, ý tưởng của đội đến từ viêc chứng kiến những hoạt động của phòng Chăm sóc sức khỏe và tâm lý cũng như Dịch vụ Bình đẳng giáo dục tại Đại học RMIT.
“Vậy nên, nhóm chúng tôi đã nghĩ ra giải pháp mang tính toàn diện để có thể khai mở sức mạnh kinh tế và giảm phân biệt đối xử tại nơi làm việc đối với người khuyết tật. Đây là một trong sáu mục tiêu thuộc Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc cho cuộc thi năm nay. Chúng tôi phải tìm cách thay đổi định kiến vốn ăn sâu vào đầu nhiều người về người khuyết tật, đồng thời làm cho mọi người hiểu ra rằng tất cả đều có năng lực và xứng đáng có cơ hội để tỏa sáng”, Hoa nói.
Ngoài CATFISH - đội chiến thắng vòng quốc gia, hai đội khác đến từ RMIT cũng vượt qua các trường đại học danh tiếng trong nước khác để giành giải Nhì và Ba cuộc thi.
Đội Exploratores gồm hai sinh viên ngành Kinh doanh (Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics) Đào Lê Minh Nhật và Nguyễn Vũ Cát Tường đã giành giải Nhì với đề xuất giải quyết rác thải điện và điện tử ở các nước khu vực ASEAN.
Trong khi đó, đội Futurists gồm hai sinh viên ngành Kinh doanh (Kinh tế và Tài chính) Mai Hoàng Mỹ Hảo và Vũ Thảo Nhung giành giải Ba với dự án công nghệ tài chính ứng dụng bảo hiểm vi mô để chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Ông Melvin Fernando, Quản lý Bộ phận Quan hệ doanh nghiệp và Việc làm đồng thời là một trong những giáo viên hướng dẫn các đội RMIT, chia sẻ rằng kết quả cuộc thi cho thấy sinh viên RMIT được trang bị những kỹ năng giúp các bạn sẵn sàng cho tương lai và lớn mạnh trong kỷ nguyên “bình thường mới”.
“Chúng tôi vui mừng khi thấy các bạn có thể giải quyết những vấn đề xã hội và môi trường cấp bách bằng công nghệ. Cả ba đội thắng cuộc đến từ RMIT đều thể hiện sự tự tin và khả năng thích ứng với môi trường thực tế, năng động mà chúng ta đang sống”, ông nói.
Cô Sienney Liu, giảng viên Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT cũng là người hướng dẫn các đội, cho biết tham gia cuộc thi là cách tuyệt vời để sinh viên có được kỹ năng khoa học dữ liệu mới đang được các nhà tuyển dụng săn đón.
Giám đốc điều hành SAP khu vực Đông Dương bà Verena Siow cho biết cuộc thi khuyến khích các bạn trẻ sử dụng những kỹ năng mới học được từ SAP Analytics Cloud để tạo ra những giải pháp tạo tác động đến cộng đồng.
Bà Siow chia sẻ: “Chúng tôi đặc biệt khuyến khích các bạn trẻ sử dụng kỹ năng kỹ thuật số để phát triển bản thân và góp phần tạo ra những đổi mới sáng tạo bền vững cho các vấn đề kinh tế và xã hội hiện tại, vì kỹ năng kỹ thuật số không những liên quan đến tình hình đại dịch hiện tại mà còn đến hồi phục trong tương lai”.
“Ba đội chiến thắng từ RMIT được đánh giá dựa trên khả năng của em trong việc thiết kế ý tưởng toàn diện tốt nhất nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội của ASEAN, dựa trên hiểu biết sâu về dữ liệu”, bà Siow cho biết thêm. “Ban giám khảo đánh giá các đội dựa trên những tiêu chí: sáng tạo, khả thi, đổi mới và khả năng của từng đội trong trình bày việc triển khai giải pháp”.
ASEAN DSE là cuộc thi khu vực do Quỹ ASEAN và công ty SAP phối hợp thực hiện nhằm xây dựng năng lực hoạt động xã hội và tư duy phản biện cho sinh viên đại học thuộc khối ASEAN. Kể từ khi ra mắt vào năm 2017, sinh viên RMIT tham gia cuộc thi đã khẳng định rõ ràng rằng chính kiến thức và kỹ năng vững chắc của họ đã góp phần mang về những giải cao nhất ở vòng quốc gia bốn năm liên tiếp và giải vô địch ASEAN năm ngoái.