Smart Factory: Sẵn sàng chuyển giao công nghệ mới với mạng 5G

Smart Factory: Sẵn sàng chuyển giao công nghệ mới với mạng 5G
Tạp chí Nhịp sống số - Mới đây, cả 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam là VinaPhone, Viettel và MobiFone đã đồng loạt công bố việc phát sóng và cung cấp thử nghiệm mạng 5G thương mại.

Trước xu thế dịch chuyển đầu tư FDI của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, Việt Nam đang là điểm đến sáng giá để đầu tư sản xuất. Đây chính là thời điểm quan trọng để các doanh nghiệp học hỏi và ứng dụng công nghệ vào hệ thống nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Yêu cầu kết nối trong nhà máy thông minh

Đặc điểm quan trọng nhất của một nhà máy thông minh là việc kết nối. Smart Factory yêu cầu các quá trình sản xuất cơ bản và nguyên vật liệu cần phải được kết nối để tạo ra các dữ liệu cần thiết giúp đưa ra quyết định kịp thời.

Các nhà máy trước đây chứa rất nhiều máy móc, mỗi thiết bị thực hiện một nhiệm vụ riêng biệt. Trong khi đó, nhà máy thông minh tập hợp các thiết bị này tạo thành một mạng lưới nhiều lớp chia sẻ dữ liệu. Lớp thấp nhất kiểm soát chức năng của từng máy riêng lẻ (Machine), lớp ở giữa kết nối các thiết bị trong cùng hệ thống nhà xưởng, và lớp cao nhất, được gọi là cấp doanh nghiệp, kiểm soát toàn bộ hệ thống sản xuất (MES). Lớp trên cùng này không chỉ tập hợp sản xuất mà còn kiểm soát chuỗi cung ứng, nhu cầu bảo trì và hậu cần của toàn bộ cơ sở để kết nối các hoạt động một cách hoàn hảo trong các ứng dụng công nghiệp khắt khe ngày nay.

Nhờ vậy, smart factory có thể chia sẻ thông tin lên và xuống của tổ chức. Máy móc có thể truy xuất và xử lý dữ liệu liên tục về hiện trạng và giúp dự đoán các yêu cầu bảo trì. Việc sử dụng nguyên liệu thô có thể được theo dõi trong thời gian thực, cho phép hệ thống ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt và dừng dây chuyền. Luồng dữ liệu cũng cho phép nhà sản xuất thực hiện các thay đổi nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Mạng 5G mang đến cho các nhà sản xuất cơ hội xây dựng nhà máy thông minh và khai thác các công nghệ như tự động hóa (Automation), AI, AR và IoT(Internet of Things).

Công nghệ 5G mới sẽ cách mạng hóa môi trường sản xuất, nhưng yêu cầu hệ thống phần cứng phải phát triển tương ứng với các cảm biến đủ mạnh và đảm bảo tính đơn giản, dễ dàng lắp đặt, bảo trì. Bên cạnh đó, hạ tầng cần phải đáp ứng yêu cầu kết nối liên tục, giảm thiểu độ trễ và đảm bảo an toàn dữ liệu doanh nghiệp, bao gồm cả an ninh mạng và vật lý.

Vai trò của mạng 5G trong nhà máy thông minh

Các nhà sản xuất lớn đã nhanh chóng nhận thấy những triển vọng hấp dẫn mà 5G có thể mang lại như băng thông cao, tính di động, thân thiện với IoT và bảo mật.

“Với 5G, hiệu suất được cải thiện vượt bậc, bạn hoàn toàn có thể sử dụng nó để thay thế mạng có dây truyền thống. Đó chính là giải pháp tuyệt vời cho nhà máy của bạn” - Patrick Filkins - Nhà phân tích và nghiên cứu cấp cao tại IDC cho hay.

Có lẽ, lợi ích rõ ràng nhất mà 5G mang lại cho các nhà sản xuất là, giống như Wi-Fi, chúng ta có thể xây dựng nhà máy mà không cần đến hệ thống dây cáp, một khoản đầu tư khá tốn kém. Trong khi vẫn đảm bảo việc cung cấp băng thông mạng, phát hiện các trở ngại ảnh hưởng đến tính di động, cấu hình lại robots và dây chuyền lắp ráp khi các dòng sản phẩm được cải tiến.

5G cùng hệ thống Wi-Fi sẽ loại bỏ các dây cáp phức tạp, giảm chi phí vận hành và tăng khả năng thích ứng với băng thông cao và độ trễ cực thấp, ước tính có tốc độ nhanh gấp 100 lần mạng 4G LTE. Công nghệ này cho thấy hiệu quả rõ rệt nhất với các hệ thống điều khiển và tự động hóa công nghiệp, hệ thống thiết kế và lập kế hoạch, các thiết bị hiện trường.

Lời khuyên cho các doanh nghiệp sản xuất muốn ứng dụng 5G

Chia sẻ từ ông Lê Bá Tân, Phó tổng giám đốc công ty Mạng lưới Viettel, phải tới năm 2023-2025, mạng 5G mới phổ biến được như 4G do độ phủ còn hạn hẹp và cần xây dựng thêm nhiều trạm phát sóng mới. Như vậy, đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam chuẩn bị để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển giao công nghệ 5G mới.

Khi 5G được phổ cập rộng rãi, nhà máy của bạn đã sẵn sàng hạ tầng kết nối để đạt hiệu suất hoạt động cao hơn. Nhưng đó cũng là lúc cần suy nghĩ tới các vấn đề lỗ hổng và bảo mật có thể xảy ra. Hãy cân nhắc cách tiếp cận tốt nhất để kích hoạt các ứng dụng và dịch vụ mới.

Theo Jeff Edlund, Giám đốc công nghệ về tổ chức giải pháp và phương tiện truyền thông tại Hewlett Packard Enterprise, các chính sách kiểm soát bảo mật có thể được thực hiện ở mức ứng dụng và dịch vụ của 5G, tiếp cận một cách sát sao hơn so với những gì thường thấy ở Wi-Fi. Ngoài ra, mạng 5G sử dụng mã hóa 256-bit giúp danh tính và vị trí của người dùng đều được bảo mật tốt hơn so với mạng 4G LTE với mã hóa 128-bit.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất có thể liên hệ với Hewlett Packard Enterprise để được tư vấn về cơ sở hạ tầng CNTT trong nhà máy, đảm bảo tính tương thích và khả năng kết nối, giúp việc triển khai 5G đơn giản và dễ dàng hơn. Theo chân những doanh nghiệp tiên phong tiêu biểu, để quan sát, học hỏi và chuẩn bị là cách để đưa tổ chức đến với mạng 5G dù sớm hay muộn.

Có thể bạn quan tâm