Nước Ấn Độ cổ không hề ngần ngại trước những hình ảnh khêu gợi tình dục trong Kama Sutra hay những tác phẩm điêu khắc trong cụm đền cổ 100 năm tuổi Khajuraho. Nhưng, Ấn Độ hiện đại có thái độ "đoan trang" hơn về lĩnh vực này.
Trong hai thập niên 1980 và 1990, những bộ phim có lời thoại dâm ô và vài cảnh phim có phụ nữ nảy nở trong bộ sari đẫm nước đều bị coi là khiêu dâm. Thậm chí, Bollywood không còn dám phô diễn những nụ hôn say đắm trên màn ảnh trong vài năm trở lại đây.
Nhưng, bất ngờ thị trường smartphone giá rẻ bùng nổ ở Ấn Độ tạo điều kiện cho hàng triệu người dân nước này có cơ hội tiếp cận với phim ảnh khiêu dâm tải xuống từ Internet một cách dễ dàng hơn ngày trước rất nhiều.
Theo số liệu thống kê từ Manwin Holding - công ty sở hữu hai trang web phim đen miễn phí lớn nhất thế giới là YouPorn và PornHub - hơn 150 triệu người dùng Internet ở Ấn Độ truy cập hai trang web này với khoảng 2 triệu lượt mỗi ngày.
Trong khi đó, số liệu thống kê cho thấy những vụ án hiếp dâm tăng gần gấp đôi kể từ khi Internet bắt đầu đổ bộ vào Ấn Độ - theo Cơ quan Thống kê tội phạm quốc gia Ấn Độ (NCRB). Mới đây nhất, các báo cáo về tội phạm hiếp dâm bắt đầu tăng lên 12% từ khi smartphone giá rẻ xâm nhập thị trường Ấn Độ.
Theo một số người, có sự tương quan nhân-quả giữa smartphone giá rẻ và tội phạm hiếp dâm. Với những smartphone giá rẻ chưa đến 100 USD đang tràn ngập thị trường Ấn Độ hiện nay, người dân nước này có cơ hội xem phim khiêu dâm thỏa thích chưa từng có và hiện tượng đã làm bùng nổ cuộc tranh cãi gay gắt về tác động tiêu cực đến xã hội.
Abishek Clifford, người điều hành chương trình cảnh báo đạo đức cho các trường học Ấn Độ gọi là Rescue, phát biểu với báo chí: "Chúng ta đang tạo ra một đội quân tội phạm cưỡng bức phụ nữ ở Ấn Độ do không ngăn chặn chống lại phim ảnh khiêu dâm trên Internet".
Sự lo ngại của Abishek Clifford là có cơ sở. Từ sau vụ cưỡng bức tập thể gây ra cái chết của một nữ sinh ở Delhi vào tháng 12-2012, cả nước Ấn Độ bắt đầu biểu tình rầm rộ chống lại nạn bạo lực tình dục đang lan tràn ở nước này. Tổ chức Rescue đang lo ngại những chiếc smartphone giá rẻ sẽ giúp phổ biến phim ảnh khiêu dâm đến hàng triệu người dân Ấn Độ để từ đó làm bùng phát trận dịch cưỡng bức phụ nữ.
Một cuộc điều tra của Rescue tiết lộ các học sinh Ấn Độ thú nhận xem phim đen bạo đậm chất bạo lực trung bình 2 giờ mỗi tuần và Abishek Clifford nhận định: "Kỹ nghệ phim X đã đầu độc lối sống và hành vi của giới trẻ Ấn Độ ngày nay".
Theo một phóng sự mới đây trên tuần báo hàng đầu Ấn Độ India Today, những video clip khiêu dâm kết hợp bạo lực tràn ngập ở các "trung tâm download" - đó là những kiốt tải phim đen bất hợp pháp vào USB hay thẻ nhớ điện thoại cho những khách hàng có yêu cầu trong đó chiếm đa số là giới trẻ.
Vừa qua, Bộ Viễn thông Ấn Độ yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) phong tỏa 39 trang web (đặt máy chủ ở nước ngoài) cho phép người dùng chia sẻ nội dung khiêu dâm. Phần lớn trong số đó là các diễn đàn trực tuyến, nơi những người dùng Internet có thể chia sẻ hình ảnh và URL (địa chỉ tài nguyên) để tải về các file khiêu dâm.
Một ủy ban đặc biệt cũng được Quốc hội Ấn Độ thành lập để nghiên cứu biện pháp hữu hiệu ngăn chặn phim ảnh khiêu dâm trên Internet. Tuy nhiên, Sunil Abraham - giám đốc Trung tâm Xã hội và Internet (CIS), một tổ chức đặt trụ sở ở bang Bangalore - nhận định nỗ lực phong tỏa các trang web đen vượt quá khả năng của chính quyền Ấn Độ.
Căn cứ theo số liệu thống kê của Google AdWords, từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất ở Ấn Độ luôn là "cưỡng dâm" - với gần 4,1 triệu tìm kiếm mỗi tháng để tải cho smartphone hay 1 tìm kiếm trong một tháng đối với mỗi 30 người dùng Internet ở nước này!
Cũng ở Ấn Độ, trung bình có khoảng 100.000 tìm kiếm từ khóa "video cưỡng dâm" (hay 1 tìm kiếm mỗi tháng đối với mỗi 1.500 người dùng Internet) và trung bình 246.000 tìm kiếm cho từ khóa "cưỡng dâm ở Delhi" và 90.500 cho từ "các nạn nhân bị cưỡng dâm". Google cũng nhấn mạnh công ty luôn gỡ bỏ những phim ảnh khiêu dâm trẻ em và "thương mại" ra khỏi các sản phẩm của họ đồng thời lập báo cáo về hoạt động tội phạm gửi đến các chính quyền.
Sau nhiều năm tranh cãi, giới học giả và các chuyên gia tâm lý ở Ấn Độ cũng như nước ngoài vẫn chưa đồng thuận về vấn đề liệu phim ảnh khiêu dâm có thể biến những người đàn ông thành tội phạm cưỡng dâm hay không.
Trong khi đó, nhà khoa học thần kinh Sai Gaddam ở bang Bangalore - đồng tác giả cuốn sách "1 Tỷ tư tưởng xấu xa: Internet nói với chúng ta những gì về quan hệ tình dục" - cho rằng có rất ít dữ liệu ủng hộ tuyên bố về tác động thảm họa của những trang web đen. Trong khi việc xem hay phân phối phim ảnh khiêu dâm trẻ em được coi là bất hợp pháp ở Ấn Độ, thì việc xem phim đen người lớn lại không hề bị cấm đoán ở nước này.