Việt Nam có thể đi tiên phong về Open Banking

Tạp chí Nhịp sống số - Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)... hỗ trợ các ngân hàng thực hiện chiến lược kinh doanh mới như Open Banking, ngân hàng nhúng.

Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)... đã thành "trợ lý tài chính" thực thụ giúp các ngân hàng có thể hiểu sâu hơn về hành vi tài chính của từng khách hàng. Mọi giao dịch, thói quen chi tiêu, nhu cầu vay vốn hay kế hoạch đầu tư đều được hệ thống phân tích, từ đó đưa ra các đề xuất tối ưu nhất.

Open Banking

Trước bối cảnh làn sóng công nghệ đang được ứng dụng mạnh mẽ vào ngành ngân hàng hiện nay, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Ban Công nghệ BIDV, cho biết các công nghệ như: AI, blockchain, cloud, Big Data... đang mở ra nhiều hướng kinh doanh mới, hình thành nên một ngân hàng số thực sự.

Đầu tiên là ngân hàng mở (Open Banking) kết nối với công nghệ tài chính (fintech) qua giao diện lập trình ứng dụng (API) để mở rộng dịch vụ. Theo ông Thắng, với sự phát triển nhanh chóng của fintech và nhu cầu cải thiện trải nghiệm khách hàng, xây dựng nền tảng ngân hàng mở là một bước đi tất yếu của các ngân hàng Việt Nam, phù hợp với xu hướng toàn cầu.

Open Banking là một hệ sinh thái mà trong đó các ngân hàng chia sẻ dữ liệu thông qua API với các bên thứ 3 như công ty fintech, nhà cung cấp dịch vụ tài chính và các đối tác khác. Điều này giúp tạo điều kiện cho việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ tài chính sáng tạo, mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng nói riêng, thị trường tài chính nói chung.

Ông Thắng cũng cho biết thêm, Open Banking mang đến 4 lợi ích chính. Thứ nhất là tăng cường trải nghiệm khách hàng, cho phép khách hàng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính được cá nhân hóa dựa trên nhu cầu thực tế; thứ nhì là thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thông qua việc chia sẻ dữ liệu, các fintech có thể phát triển các giải pháp tài chính mới mẻ và tiện lợi; thứ 3 là tăng cường sự cạnh tranh, giúp thị trường tài chính trở nên cạnh tranh hơn, buộc các tổ chức tài chính phải cải tiến dịch vụ và giảm chi phí; thứ 4 là hợp tác và mở rộng hệ sinh thái, các ngân hàng có thể mở rộng quy mô hoạt động bằng cách hợp tác với các fintech và các đối tác khác.

Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của việc triển khai Open Banking, ông Thắng cho rằng có các yếu tố thuận lợi như thị trường fintech đang bùng nổ. Sự phát triển nhanh chóng của các công ty fintech tạo tiền đề cho việc xây dựng nền tảng Open Banking. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng công nghệ ngày càng hoàn thiện. Hạ tầng số như mạng di động, internet và các công nghệ mới (AI, Blockchain) hỗ trợ mạnh mẽ cho việc triển khai Open Banking. Đặc biệt, người dùng ngày càng mong muốn có các dịch vụ tài chính tiện lợi, nhanh chóng và minh bạch, triển khai Open Banking sẽ đáp ứng được nhu cầu này.

Song, Việt Nam lại chưa có quy định cụ thể về Open Banking, gây khó khăn cho việc triển khai. Trong quá trình triển khai Open Banking, theo ông Thắng, các bên liên quan đều có vai trò quan trọng. Chính phủ và cơ quan quản lý ban hành các quy định pháp lý về Open Banking và bảo vệ dữ liệu; tạo điều kiện cho các dự án thử nghiệm (sandbox) để kiểm tra và điều chỉnh chính sách.

"Với tiềm năng hiện có, Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực về Open Banking", ông Thắng nhấn mạnh.

Thứ 2 là tài chính cá nhân hóa, nghĩa là dựa vào Big Data và AI để đề xuất sản phẩm phù hợp cho từng khách hàng. Hiện nay, nhiều ngân hàng đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để cá nhân hóa dịch vụ tài chính, giúp khách hàng quản lý tài sản hiệu quả hơn.

Trước đây, thay vì các ngân hàng chỉ cung cấp những sản phẩm tài chính chung chung thì hiện nay các ngân hàng đã tập trung vào việc cá nhân hóa trải nghiệm của từng khách hàng. Hệ thống AI có thể phân tích dữ liệu giao dịch, thói quen chi tiêu và khả năng tài chính để đề xuất những sản phẩm phù hợp, giúp khách hàng quản lý tài sản một cách hiệu quả hơn.

"Ngân hàng BIDV đã triển khai các nền tảng đầu tư trực tuyến ngay trên ứng dụng ngân hàng, cho phép khách hàng tiếp cận chứng khoán, quỹ mở và trái phiếu chỉ với vài thao tác", ông Thắng cho hay.

Thứ 3 là dịch vụ ngân hàng nhúng: Tích hợp dịch vụ tài chính vào các nền tảng khác như thương mại điện tử, ví điện tử. Từ đó, cho phép người dùng thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán, vay vốn hoặc đầu tư mà không cần phải rời khỏi ứng dụng hoặc trang web đang sử dụng.

Chẳng hạn, khi mua sắm trực tuyến, người dùng có thể sử dụng tính năng thanh toán ngay lập tức mà không cần phải nhập thông tin thẻ tín dụng của mình. Hoặc khi đặt xe qua ứng dụng di động, người dùng có thể vay khoản tiền nhỏ để chi trả cho dịch vụ, tất cả đều thông qua một cú "nhấp chuột"

Xu hướng "nhúng" dịch vụ ngân hàng không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp mà còn cho cả ngân hàng. Ðối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, xu hướng này giúp họ tiết kiệm thời gian và giảm thiểu rủi ro khi sử dụng các dịch vụ tài chính. Các doanh nghiệp có thể thu thập được nhiều dữ liệu về hành vi người dùng, từ đó đưa ra các chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn.

Còn đối với các ngân hàng, xu hướng này mở ra nhiều cơ hội để gia tăng doanh thu và nâng cao sự cạnh tranh. Việc tích hợp dịch vụ vào các ứng dụng phổ biến giúp ngân hàng tiếp cận với một lượng lớn khách hàng tiềm năng mà không cần phải đầu tư lớn vào quảng cáo hoặc mở rộng cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, ông Thắng cũng cho biết thêm các công nghệ như AI, blockchain hay Big Data còn mở ra các hướng kinh doanh mới cho ngân hàng như: Định giá tài sản tự động, nghĩa là AI có thể phân tích dữ liệu để định giá tài sản nhanh chóng. Hay tư vấn tài chính ảo, Bot hỗ trợ đầu tư, tiết kiệm, quản lý tài chính cá nhân...

Có thể bạn quan tâm

Bộ Khoa học và Công nghệ đang đẩy nhanh tiến độ phát triển mạng 5G toàn quốc, hướng tới mục tiêu phủ sóng tới 90% dân số ngay trong năm 2025. Đây được xem là một bước đi chiến lược nhằm hiện đại hóa hạ tầng số quốc gia, phục vụ mục tiêu chuyển đổi số toàn diện.