Startup Công nghệ Việt Nam hút vốn đầu tư

Startup Công nghệ Việt Nam hút vốn đầu tư
Tạp chí Nhịp sống số - Tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam xếp thứ 2 Đông Nam Á, lần đầu tiên vượt qua Singapore và chỉ xếp sau Indonesia.

Năm 2020, dù nền kinh tế Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ cơ bản khống chế được dịch bệnh, cùng sự chủ động, linh hoạt thích ứng của các doanh nghiệp Việt đã tạo nền tảng vững chắc để kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, giúp Việt Nam trở thành điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư quốc tế. Bà Hoàng Thị Kim Dung, Trưởng đại diện quỹ đầu tư Nhật Bản Genesia Ventures tại Việt Nam chia sẻ, các nhà đầu tư đang tin tưởng rất lớn vào tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Việt Nam. Các quỹ đầu tư mạo hiểm đánh giá Việt Nam là thị trường ưu tiên hàng đầu tại Đông Nam Á trong năm 2021 và kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành thị trường đầu tư lớn trong khu vực, thế giới.

Những năm gần đây, hệ sinh thái Việt Nam được đánh giá ngày càng trở nên năng động và phát triển. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng start-up đang hoạt động, với hơn 3.000 startup từ đa dạng lĩnh vực. Đồng thời, tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam xếp thứ 2 Đông Nam Á, lần đầu tiên vượt qua Singapore và chỉ xếp sau Indonesia.

Với mục đích thúc đẩy start-up công nghệ số tại Việt Nam và góp phần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, Ngày 26/11/2020 vừa qua, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) đã đưa ra sáng kiến thành lập Câu lạc bộ đầu tư Khởi nghiệp Công nghệ Số Việt Nam (Vietnam Digital Investor Club - VDI) với nòng cốt là các doanh nhân công nghệ, nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam. Vinasa cho biết, trong phong trào khởi nghiệp hiện nay, khi mà cả các quỹ đầu tư, nhà đầu tư đặt trọng tâm chú ý nhiều vào việc hỗ trợ về tài chính và năng lực kinh doanh chứ chưa chú ý nhiều đến việc bồi đắp năng lực và tư vấn/định hướng phát triển công nghệ. Chính vì thế, VDI định hướng đầu tư và tư vấn chuyên biệt cho các start-up công nghệ và Startup chưa ứng dụng công nghệ để Việt Nam phát triển lực lượng doanh nghiệp Số ngày càng lớn mạnh, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.  

Cũng trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST 2020, Liên minh Quỹ đầu tư Việt Nam (Vietnam Venture Capital Alliance - VVCA) đã chính thức được thành lập, với sự tham gia của 17 thành viên, bao gồm ThinkZone Ventures, 500 Startups, CyberAgent Capital, Vietnam Investment Group, eWTP Capital,...

Công ty Cổ phần Lozi Việt Nam đã gọi vốn thành công từ Quỹ đầu tư Vulpes Investment Management có trụ sở tại Singapore. Ông Nguyễn Hoàng Trung, người sáng lập Lozi cho biết, hiện tại, mảng kinh doanh chính của Lozi là nền tảng giao đồ ăn, đồ tươi sống, thuốc, hàng hóa, hoa tươi, gọi xe, giặt là và giao hàng phục vụ kinh doanh giữa các doanh nghiệp. Công ty hiện đang có hơn 70.000 tài xế và 200.000 đối tác bán hàng, phục vụ khoảng gần 2 triệu người dùng ở các thành phố lớn, như: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo số liệu của Văn Phòng Hệ sinh thái KNĐMST (Đề án 844), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), trong hệ sinh thái KNĐMST Việt Nam hiện có khoảng gần 100 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, trong đó có khoảng 20 quỹ nội. Quỹ nội và quỹ ngoại đang có xu hướng kết hợp nguồn lực với nhau để cùng đầu tư cho startup Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các startup thu hút nguồn vốn đầu tư. Trong năm 2020, tổng giá trị các thương vụ đầu tư vào startup Việt Nam đạt 290,43 triệu USD; số lượng thương vụ đầu tư đạt 56 thương vụ (trong đó có 34 thương vụ đầu tư được công bố giá trị). Cụ thể, các lĩnh vực thu hút được nhiều vốn đầu tư (xếp theo thứ tự tổng số thương vụ giảm dần): Công nghệ tài chính (12 thương vụ, tổng cộng 61,2 triệu USD); thương mại điện tử (8 thương vụ, tổng cộng 143,85 triệu USD); HR-Quản trị nguồn nhân lực (6 thương vụ, tổng cộng 36,88 triệu USD).

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, làn sóng đầu tư mới này vừa là cơ hội cũng là thách thức lớn đối với các startup. Quy mô startup tại thị trường Việt Nam tương đối nhỏ, trong khi các quỹ đầu tư lớn thường tập trung đầu tư từ vòng hạt giống trở lên với những yêu cầu về sản phẩm kiểm chứng thị trường nhất định. Các startup Việt Nam mặc dù có lợi thế về ý tưởng và công nghệ nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, mở rộng thị phần. Hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, kết nối, chưa có nhiều nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp dành cho việc phát triển và hỗ trợ các startup...

Đứng trước cơ hội này, startup Việt Nam cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để đón nhận làn sóng đầu tư mới trong thời gian tới. Các startup cần luôn chủ động, linh hoạt và sẵn sàng thích ứng trong mọi hoàn cảnh, xác định rõ mục tiêu gọi vốn, tập trung phát triển hoạt động, bảo đảm công việc kinh doanh không bị gián đoạn, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2020, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai nhiều dự án, chương trình để đón bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp mới, tạo sân chơi, thị trường cho cộng đồng startup lớn mạnh. Chính phủ luôn mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động ở Việt Nam. Phó thủ tướng cũng đưa ra lời khuyên cho các startup trong nước cần tự tin hơn từ những bài học, kinh nghiệm, cách làm của mình để bước ra thế giới. Trong giai đoạn vừa qua, nước ta đã từng nước hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.  

Về vấn đề pháp lý, hành lang pháp lý cho doanh nghiệp của nước ta đã dần được hoàn thiện, gần đây nhất là sự thay đổi về triết lý tiếp cận của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2020, hướng tới tạo điều kiện hơn nữa, khuyến khích các nguồn đầu tư cho KNĐMST. Để phát triển hệ sinh thái một cách bứt phá cần có sự nỗ lực và phối hợp từ các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp khởi nghiệp đến các chủ thể trong hệ sinh thái khác.

Có thể bạn quan tâm

Theo Microsoft, có đến 88% lao động tri thức ở Việt Nam sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở nơi làm việc. AI được cho là giúp người lao động tiết kiệm thời gian, tăng khả năng sáng tạo và tập trung vào các nhiệm vụ chính.