Đối tượng chương trình là các startup tại Hà Nội, đang ở giai đoạn ý tưởng, concept hoặc pre-seed có ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Trong hơn hai tháng, các startup được đào tạo, huấn luyện và làm việc thực tiễn trên chính dự án startup của mình.
Theo ban tổ chức, Batch 1 là mô hình ươm tạo mới mẻ tại Việt Nam có hai điểm mới căn bản. Điểm mới thứ nhất là ở mô hình huấn luyện: Chương trình được phối hợp thực hiện bởi một đối tác có thế mạnh về công nghệ, khoa học khởi nghiệp (Sun* Startups) và một đối tác có thế mạnh về hệ sinh thái khởi nghiệp, thị trường (Songhan Incubator). Chương trình huấn luyện khai thác tối đa các thế mạnh này. Nhờ đó, startup được tiếp cận các vấn đề một cách thiết thực nhất. Điểm mới thứ hai là ở cách thức tổ chức chương trình. Lịch trình ươm tạo chính thức diễn ra trong 10 tuần (chưa bao gồm thời gian tương tác từ xa gần 2 tháng), các startup làm việc toàn thời gian thay vì kéo dài trong 6 tháng và làm việc bán thời gian như các mô hình thông thường. Việc này giúp đội ngũ sáng lập có sự tập trung cao nhất cho dự án startup của mình, đồng thời được làm việc tại chỗ hàng ngày cùng các chuyên gia.
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Hữu Trí, sáng lập WearGi - một nền tảng kết hợp giữa Thương mại điện tử và mạng xã hội về thời trang, giúp giải quyết câu hỏi “Mặc gì?” chia sẻ: “Trước khi tham gia vào Batch 1, WearGi (tên gọi cũ là Passione) đã có một đội ngũ sáng lập và chúng tôi rất tự tin với ý tưởng và mô hình kinh doanh của mình ở thời điểm đó, thậm chí đã và đang xây dựng MVP. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tuần tham gia vào chương trình, chúng tôi nhận ra rằng, có rất nhiều câu hỏi đặt ra cho Passione mà chúng tôi chưa thể giải đáp. Nếu đi tiếp với mô hình đó sẽ rất rủi ro. Dưới sự đồng hành của các chuyên gia Batch 1, chúng tôi đã đánh giá lại toàn bộ các khía cạnh của Dự án. Và sau gần 2 tháng vừa học vừa làm, vừa tiếp xúc với khách hàng tiềm năng vừa điều chính, chúng tôi đã lần lượt trả lời được các câu hỏi, từ đó WearGi ra đời với một diện mạo gần như mới hoàn toàn. Điều quan trọng nhất là chúng tôi đã hiểu rõ WearGi cần nhắm vào đâu và vạch ra từng bước đi một cách bài bản cho thời gian tới.”
Batch 1 tập trung vào việc giúp founder đánh giá ý tưởng, mô hình kinh doanh, tiếp cận đúng về sản phẩm khả thi sáng tạo MVP, thiết lập đội ngũ sáng lập, xây dựng một kế hoạch phát triển ngắn hạn cho dự án của mình ở giai đoạn sớm. Các dự án tốt nghiệp từ Batch 1 bao gồm:
- WearGi: Nền tảng kết hợp giữa Thương mại điện tử và mạng xã hội về thời trang, giúp giải quyết câu hỏi “Mặc gì?”
- MGame: Nền tảng chợ Game, cung cấp các giải pháp mini game ứng dụng cho Marketing.
- VaoVuon: Nền tảng cung cấp thực phẩm từ vườn, trang trại đến khách hàng.
- BuBa: Sàn thương mại điện tử của người Việt và cho người Việt
- Greenie: Nền tảng ứng dụng cho thu gom rác tái chế
- Meeow: Nền tảng kết nối khách hàng và các cơ sở giặt là
Sau khi tốt nghiệp, đã có 2 dự án là WearGi và Greenie tiếp tục được tuyển chọn vào chương trình tăng tốc khởi nghiệp VTS 2020 của Songhan incubator. Các Dự án còn lại sẽ tiếp tục được Sun* Startups đồng hành với vai trò cố vấn không thường trực trong 3 tháng, bảo đảm có được bước đệm tốt nhất trước khi startup tiến vào các chương trình tăng tốc sau đó.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban Hỗ trợ khởi nghiệp (Sun* Startups) chia sẻ: “Thành công lớn nhất đối với chúng tôi tại Batch 1 đó là các startup có được tư duy đổi mới sáng tạo và cách tiếp cận bài bản khi đứng trước một vấn đề. Chặng đường phía trước còn rất dài, chúng tôi hy vọng rằng một mô hình như Batch 1 là điều mà các startup ở giai đoạn sớm rất cần để có được bước khởi tạo vững chắc nhất, kết hợp ở cả 3 tiếp cận: Khoa học khởi nghiệp, Công nghệ và Thị trường.”
Ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Songhan Incubator cho biết: “Từ thành công của Batch 1 tại Hà Nội, chúng tôi (Songhan Incubator và Sun* Startups) đang lên kế hoạch nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn quốc, mục đích không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp mà thúc đẩy thương mại hóa đổi mới sáng tạo, hướng tới việc huấn luyện, khởi tạo startup đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tối ưu quá trình chuyển đổi số, củng cố năng lực cạnh tranh, bảo đảm vị thế trên thị trường, đồng thời, giúp làm giàu thêm hệ sinh thái đầu ra cho các dự án startup.”
Được biết, trong năm 2021, hai bên dự kiến sẽ cho ra đời 04 batch, trong đó Batch 2 sẽ được khởi động từ tháng 12/2020.