Thông tin trên được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chia sẻ tại sự kiện Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2023 (Vietnam - ASIA DX Summit 2023) do VINASA chủ trì và tổ chức, với chủ đề “Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” ngày 24/5.
Dữ liệu là tài nguyên xanh cần được khai thác hiệu quả
Đánh giá cao chủ đề của Diễn đàn là Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng đây là hai lĩnh vực đóng góp quan trọng trong các trụ cột của kinh tế số.
Phó Thủ tướng nhận định dữ liệu là một loại tài nguyên mới - tài nguyên số, tài nguyên xanh. Theo ông, loại tài nguyên này "hơn cả mỏ vàng", vô cùng quý giá nếu được khai thác đúng hướng, hiệu quả.
“Dữ liệu là một tài nguyên vô tận, sáng tạo từ tư duy và trí tuệ con người. Nó thay đổi tài nguyên thiên nhiên mà thế giới đã khai thác, đã sử dụng và đã dựa vào nó trong suốt chiều dài lịch sử của loài người. Đến bây giờ chúng ta đã tìm ra một mỏ vàng mới, mà lớn hơn mỏ vàng mới – đó là tài nguyên mới, tài nguyên xanh.
Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Thế giới cũng đang bước vào thập niên nhìn nhận lại quá trình phát triển trước đây của mình. Theo một báo cáo nghiên cứu, nếu việc tăng dân số và giữ mô hình phát triển như trước đây thì chúng ta phải tìm ra 3 Trái Đất giàu tài nguyên thì mới đủ nuôi sống nhân loại. Điều gì sẽ làm thay đổi thế giới? Đó là chính là cuộc cách mạng khoa học công nghệ với kinh tế số, chuyển đổi số, tài nguyên số - đó là những tài nguyên mới”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng nhận định: Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ từ CNTT sang công nghệ số, từ thông tin quản lý bằng giấy tờ sang cơ sở dữ liệu quốc gia, coi đây là nguồn tài nguyên vô tận. Toàn bộ nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh mẽ với những thành tựu công nghệ mới đáng ghi nhận như kết nối vạn vật, tự động hoá, blockchain… Áp lực chuyển đổi số của chính phủ là rất lớn để chuyển đổi nhanh sang chính phủ điện tử thông qua các hoạt động dịch vụ công, nhiệm vụ theo thẩm quyển để dẫn dắt cuộc cách mạng này.
Do đó, Chuyển đổi số quốc gia phải lấy phát triển Chính phủ số đóng vai trò dẫn dắt, kiến tạo phát triển, giải quyết các vấn đề lớn về phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quản trị quốc gia; quản lý nhà nước, hiệu quả; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất và kinh doanh…
“Chính phủ phải đặt vai trò dẫn dắt, đặt trách nhiệm là người lái con tàu chuyển đổi số, có như vậy, kinh tế số, xã hội số sẽ cùng phát triển”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Tuy nhiên, khoa học công nghệ thay đổi liên tục, thị trường và nền kinh tế cũng vận động liên tục, các doanh nghiệp, các chuyên gia công nghệ cần có trách nhiệm và chủ động tham vấn, xây dựng chính sách cùng Chính phủ.
Cần có Chiến lược tổng thể về dữ liệu số
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết: "Việc Diễn đàn lựa chọn chủ đề là: “Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” thực sự mang lại nhiều ý nghĩa và giá trị thiết thực đối với năm dữ liệu nói riêng và chuyển đổi số nói chung".
Thứ trưởng nhận định, Diễn đàn sẽ giúp nâng cao nhận thức về dữ liệu và chuyển đổi số, từ đó có những quyết định hành động cùng vì một Việt Nam số. Thông qua diễn đàn, các đối tượng chịu tác động của thể chế tham mưu, góp ý trực tiếp đối với công tác hoàn thiện thể chế về dữ liệu số và chuyển đổi số.
”Các tổ chức, doanh nghiệp cần thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong thể chế mà thực tiễn mình gặp phải, kiến nghị và đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình hoàn thiện thể chế, đặc biệt đối với việc chia sẻ và khai thác dữ liệu số quốc gia, chuyển đổi số quốc gia”, Thứ trưởng Bộ TT&TT nói.
Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng kỳ vọng, Diễn đàn sẽ giúp các tổ chức, doanh nghiệp tìm ra cơ hội đầu tư cho hạ tầng dữ liệu, hạ tầng số, tạo tiền đề cho ngành kinh tế dữ liệu trong tương lai; Tìm lời giải chuyển đổi số cho các DN nhỏ và vừa (SME); Tìm kiếm cơ hội để “go global”, đưa sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số đi ra nước ngoài.
“Bộ TT&TT đã mở chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài với hy vọng mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam vươn ra thế giới”, Thứ trưởng Phan Tâm nói.
Cũng tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) nhấn mạnh về câu chuyện phát huy sức mạnh dữ liệu số.
"Chuyển đổi số tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn tạo ra những kết quả thực, những giá trị thiết thực cho nền kinh tế - xã hội. Đây là lúc cơ sở dữ liệu phát huy vai trò và sức mạnh”, ông Khoa nói.
Để thúc đẩy tiến trình này, theo ông Nguyễn Văn Khoa, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia. Chiến lược sẽ là kim chỉ nam cho tạo lập và khai thác dữ liệu số tại Việt Nam.
Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số kỳ vọng và luôn sẵn sàng sát cánh cùng Chính phủ, các địa phương, các Ban, Bộ, Ngành, các tổ chức để chung tay: Tư vấn, góp ý xây dựng một hàng lang pháp lý thông thoáng; Tham gia xây dựng những hạ tầng dữ liệu số tiên tiến, hiện đại, hiệu quả; Hỗ trợ kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các địa phương, các cơ quan, ban, ngành.
“Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng mô hình và hợp tác khai thác dữ liệu nhằm tạo ra những dịch vụ mới phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo ra những giá trị mới cho nền kinh tế - xã hội”, ông Khoa nói.
Trong khuôn khổ tại Diễn đàn, Tập đoàn FPT trình diễn các giải pháp tiêu biểu thuộc hệ sinh thái chuyển đổi số Made by FPT trong cả ba trụ cột gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Với góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Minh - Tổng Giám đốc FPT Information System - thành viên Tập đoàn FPT đã có những đề xuất thiết thực, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ số như FPT hỗ trợ đắc lực hơn cho khối nhà nước, lẫn tư nhân trong tiến trình hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL).
Thứ nhất, đề xuất xây dựng kiến trúc dịch vụ công trong đó phân tách được các dịch vụ do chính phủ và doanh nghiệp cung cấp. Thứ hai, cần sớm thành lập Cơ quan chuyên trách Quốc gia về Hợp tác Công tư cho ngành CNTT. Thứ ba, chuyên gia FPT đề xuất thí điểm cơ chế cho phép doanh nghiệp được cung cấp một số dịch vụ từ các CSDL quốc gia để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.