Theo mô hình này, khi người dân cần làm một số thủ tục hành chính, chỉ cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo yêu cầu, chụp lại và gửi qua Cổng hành chính công của tỉnh trên ứng dụng
Ông Trương Văn Hùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tây Ninh chia sẻ: “Ở những cấp độ cao nhất của dịch vụ công trực tuyến mà chúng tôi triển khai, người dân vẫn cần phải có một bộ máy tính, máy scan mới thực hiện nộp hồ sơ được. Nhưng khi triển khai mô hình này trên Zalo thì người dân chỉ cần một chiếc smartphone là đã có thể gửi trực tiếp hình ảnh hồ sơ cho trung tâm hành chính xử lý. Điều này sẽ giảm chi phí đầu tư ban đầu, đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại rất nhiều cho người dân, cán bộ cũng tiếp nhận nhanh hơn vì chỉ cần thao tác trên máy, từ đó mang lại hiệu quả rất lớn trong cải cách hành chính”.Hiện tại, các đơn vị sở ngành ở Tây Ninh đã quy tụ về một mối tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, còn gọi là mô hình một cửa/ một cửa liên thông, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận với các dịch vụ hành chính công tại một địa chỉ duy nhất.
Tính đến tháng 10/2018, trên cả nước đã có hơn 30 tỉnh thành đã và đang kết nối kĩ thuật triển khai mô hình chính quyền thông minh trên Zalo, với mục tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa giao dịch giữa chính quyền và người dân, nhằm phục vụ người dân một cách tốt nhất. Theo đánh giá của giới quan sát, việc nhanh nhạy tiếp cận công nghệ, cởi mở áp dụng vào cải cách hành chính đã giúp chính quyền tỉnh Tây Ninh thành công hơn trong việc thu hẹp khoảng cách nhà nước và người dân.
Cùng ngày 1/11, Trung tâm hành chính công tỉnh Tây Ninh chính thức đi vào hoạt động giai đoạn II. Kể từ tháng 3/2018, Trung tâm đã giải quyết 207.026 hồ sơ trực tuyến với 92% số hồ sơ đúng hạn.