Thách thức lớn nhất là quyết định thời điểm triển khai 5G tại Việt Nam

Thách thức lớn nhất là quyết định thời điểm triển khai 5G tại Việt Nam
Tạp chí Nhịp sống số - Với cơ quan quản lý nhà nước, thách thức lớn nhất là quyết định thời điểm triển khai 5G tại Việt Nam, đó là nhận định của nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng khi chia sẻ tại Tọa đàm “5G đem đến cơ hội gì cho Việt Nam?”, diễn ra sáng nay (17/12) tại Hà Nội.

Đây là sự kiện do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) tổ chức, với sự tham gia của đại diện Bộ TT&TT, các mạng di động như VinaPhone, Viettel, MobiFone, các nhà sản xuất thiết bị 5G, nhiều chuyên gia viễn thông và chuyên gia kinh tế, Hiệp hội Internet Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung…

Ngoài ra, còn có sự góp mặt của gần 50 phóng viên là thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam đến từ 40 cơ quan báo chí trên cả nước.

Theo các chuyên gia, 5G là công nghệ phù hợp cho cuộc cách mạng 4.0 bởi nó có tốc độ truyền siêu tốc và độ trễ rất thấp, có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, đặc biệt trọng điều khiển các thiết bị IoT. Vì vậy, tất cả các quốc gia, các nhà mạng phải tận dụng cơ hội này và Việt Nam đã chủ động bước lên chuyến tầu 5G một cách mạnh mẽ.

Đến nay, cả 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone đều đã triển khai mạng 5G tại hai thành phố Hà Nội và TP.HCM. Với tốc độ cao hơn 10 lần so với 4G hiện tại, 5G được kỳ vọng sẽ giải quyết các bài toán khó hơn về mạng dữ liệu, mang tới những trải nghiệm "mượt mà" hơn cùng những ứng dụng thiết thực trong nhiều lĩnh vực.

VNPT đã tuyên bố thử nghiệm thương mại 5G tại cả 2 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Người dùng di động có thể đến các điểm trải nghiệm 5G của VNPT tại Hà Nội và Hồ Chí Minh để trải nghiệm công nghệ 5G trên các mẫu điện thoại hỗ trợ 5G mới nhất, cũng như các ứng dụng công nghệ hấp dẫn như AR/VR, điều khiển robot thông qua 5G. Bên cạnh việc cung cấp mạng 5G tốc độ cao, VNPT còn hướng đến việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ phong phú trên nền tảng mạng 5G bao gồm các dịch vụ dữ liệu di động băng thông rộng tăng cường như dịch vụ data tốc độ cao, video nội dung 4K/8K, FWA (ứng dụng truy cập vô tuyến cố định), video thực tế ảo VR và các dịch vụ yêu cầu độ trễ thấp như điều khiển robot. 

Cùng với VNPT. MobiFone cũng tuyên bố thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G thương mại tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 12/2020. Để chuẩn bị cho việc thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G thương mại, MobiFone đã thực hiện đàm phán, phối hợp với các nhà cung cấp thiết bị đầu cuối về mạng 5G hàng đầu trên thế giới nhằm chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho trải nghiệm của khách hàng. Dự kiến, MobiFone sẽ triển khai trên nền tảng 5G các dịch vụ Internet tốc độ cao, như Video 4K, 8K, các Game thực tế ảo AR/VR - AI learning, IoT service…

Trước đó, ngày 17/1/2020, cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel tự nghiên cứu và sản xuất, được thực hiện thành công. Như vậy, Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G.

Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có thể sản xuất thiết bị 5G. Hạ tầng viễn thông đang có sự chuyển dịch quan trọng từ hạ tầng tần số làm nền tảng nền kinh tế, trở thành hạ tầng nền tảng quốc gia quan trọng. Triển khai 5G tại Việt Nam đang thuận lợi khi các doanh nghiệp điện tử viễn thông Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều thiết bị thông tin, hạ tầng viễn thông, trong khi trước đây chúng ta phải đi mua, phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị nước ngoài về tần số. Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có thể sản xuất thiết bị 5G. Đây là một bước tiến quan trọng để vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo tốt về an ninh - quốc phòng.

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Việt Phú - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam - cho biết: Tại thời điểm Việt Nam chuẩn bị tiến lên 5G, vẫn có rất nhiều người dùng thắc mắc về việc 5G sẽ được các nhà mạng triển khai như thế nào, giá cước ra sao... Vì vậy, mục tiêu của cuộc tọa đàm nhằm thông tin đầy đủ đến người sử dụng về những vấn đề liên quan đến dịch vụ 5G và quá trình triển khai tại Việt Nam. Ngoài ra, buổi tọa đàm cũng đề cập đến sự tác động của 5G đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Bá Tân - Phó Tổng Giám đốc Công ty Mạng lưới Viettel - cho rằng, 4G đáp ứng tốt nhu cầu kết nối con người và các dịch vụ hoạt động trên smartphone của khách hàng; còn 5G sinh ra để phục vụ các thiết bị IoT, kết nối vạn vật, khu công nghiệp, những dịch vụ sẽ có trong tương lai... 

Mạng di động này bước đầu triển khai ở khu vực phát triển mật độ cao, nơi đầu cuối 5G đã có, khách hàng sẵn sàng trả tiền nhiều hơn để có trải nghiệm khác biệt. Sẽ có lớp khách hàng sử dụng Internet ở nhà mà không có sợi cáp quang nào kéo tới.

Đồng quan điểm, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cũng cho rằng: "Khi nói đến cơ hội của 5G cũng phải nói đến thách thức đi kèm. Nhắc đến cơ hội cho Việt Nam, cũng cần có sự phân tách với nhiều đối tượng: nhà cung cấp dịch vụ, nhà sản xuất thiết bị, nhà nước, người dùng... để hài hòa lợi ích các bên". 

Cụ thể, theo phân tích của ông, mạng di động 5G có đặc trưng như khả năng truyền sóng thấp hơn 2G, 3G. Như vậy, để triển khai được việc phát 5G ở nông thôn, nhà mạng sẽ rất tốn kém. Nếu chỉ nói đơn thuần về công nghệ, 5G rất tốt với những đặc trưng như: Tốc độ cao tới 10Gbps và cao hơn, độ trễ thấp tính bằng miligiây; khả năng kết nối tới 1 triệu thiết bị trong 1 km2; khả năng truyền sóng thấp hơn 2G, 3G... Việc phát triển 5G phải dựa trên các đặc trưng này. 

Nhưng đổi lại, ông Thắng cho rằng không nên triển khai 5G rộng rãi ở nông thôn như 3G, 4G, vì cự ly truyền sóng thấp, nhà mạng sẽ rất tốn kém.

Liên quan đến câu chuyện về thời điểm triển khai 5G, ông Lê Nam Thắng khẳng định đó là "băn khoăn lớn" của các nhà quản lý.

"Nếu chúng ta triển khai 5G muộn sẽ biến cơ hội thành thách thức, sẽ đi sau, không đuổi kịp các nước, hạn chế phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng nếu triển khai sớm quá, tốn kém lớn hạ tầng đầu tư của DN. Chọn thời điểm triển khai cũng là bài toán", ông Thắng nói. 

Theo đó, nỗi băn khoăn này liên quan đến tiêu chuẩn 5G do ITU ban hành và phụ thuộc số lượng người dùng, càng nhiều thì giá thiết bị càng phù hợp. Nếu người dùng ít, giá thành thiết bị đầu cuối, thiết bị mạng cao. Vì thế, với Việt Nam, giai đoạn này thử nghiệm công nghệ và thương mại thì phù hợp, nhưng để triển khai chính thức thì phải "vừa ném đá vừa dò đường".

Bổ sung thêm cho ý kiến này, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ TT&TT cho biết: “Sẽ có một số khu công nghiệp được phủ sóng 5G và đây là cơ hội cho doanh nghiệp có thể tìm hiểu nhu cầu khách hàng tại đây, cung cấp dịch vụ”.

Trước đó, Bộ TT&TT cho biết, năm 2020, mạng thông tin di động 5G ở Việt Nam được triển khai thương mại cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới. Từ nay Việt Nam sẽ chủ động đi đầu cùng với thế giới về mặt công nghệ cũng như chủ động xây dựng lộ trình và phương án loại bỏ công nghệ di động 2G từ năm 2022.

Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp viễn thông phải đảm nhiệm thêm vai trò và trách nhiệm là nền tảng của hạ tầng số, thanh toán số, mobile money, hạ tầng cho chuyển đổi số, phải làm chủ các công nghệ nền tảng cho chuyển đổi số như: công nghệ 5G, IoT, Big Data, AI… Mạng viễn thông là nền tảng của các nền tảng. Các doanh nghiệp viễn thông mang trong mình sứ mạng của doanh nghiệp nền tảng với trách nhiệm xã hội bảo đảm một nền tảng viễn thông cũng như các nền tảng khác chạy trên mạng viễn thông phải "sạch". 

Có thể bạn quan tâm