Hôm 30/1, chính quyền Thái Lan đã bắt giữ hai đối tượng tung “tin giả” về virus Corona chủng mới. Hai đối tượng này, một nam và một nữ, bị cáo buộc vi phạm luật hình sự và có thể chịu án tù lên tới 5 năm vì đăng tải video giả mạo về một trường hợp cho là nhiễm bệnh ở một thành phố ven biển.
Trước đó, Malaysia cũng bắt giữ một nghi phạm và truy lùng ba nghi phạm khác đã tung tin giả trên mạng xã hội về số người nhiễm bệnh và tử vong vì virus Corona. Nếu bị tuyên có tội, người này có thể phải trả mức tiền phạt tương đương 284 triệu đồng và bị phạt tù 1 năm.
Với mức độ nguy hiểm cùng số bệnh nhân tử vong do virus Corona tăng nhanh, việc dư luận quan tâm, lo lắng đến căn bệnh này là điều dễ hiểu. Nhà báo Ramona Pringle, giảng viên về truyền thông tại Đại học Ryerson (Canada) nhận định: “Bất cứ điều gì liên quan đến sức khỏe đều gây những phản ứng rất cảm tính trên mạng, vì sinh tồn là bản năng chính của con người”.
Nhờ khả năng tương tác thuận lợi và tốc độ lan truyền nhanh, mạng xã hội là nơi mà người đọc thường tìm đến khi có những vụ việc. Có điều là trong không gian ảo như vậy, việc phân biệt đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin bịa đặt là điều rất khó khăn với người đọc. Thêm vào đó, thông thường những thông tin được xác minh, chính thống lại không được chú ý như những tin đồn.
Thực tế những ngày qua cho thấy, những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, nhất là về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh do virus Corona, đã gây xôn xao dư luận, thậm chí làm bùng nổ những cơn hoảng loạn. Dư luận trên mạng từng hoang mang trước những thông tin như người dân đổ gục khi đang đi trên đường ở Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc che đậy số người chết thật sự, rồi tin về nhiều người tìm cách đào thoát khỏi khu cách ly...
Không chỉ gây tác động tâm lý, thông tin bịa đặt có thể khiến một số người trở thành nạn nhân của sự kỳ thị, thậm chí bị công kích ngoài đời. Mới đây tại Canada, một tài khoản Twitter tung tin bịa đặt rằng có một người vừa trốn thoát khỏi Vũ Hán và đang về Toronto. Nhiều người nhảy vào bình luận và kêu gọi cách ly người đàn ông khả nghi cùng toàn bộ số hành khách trên chuyến bay đó. Nỗi sợ hãi vô căn cứ đã dẫn tới hành vi xâm phạm nhân quyền, quyền được đối xử công bằng khi nhập cảnh vào Canada.
Bảo đảm tính chính xác của thông tin trên mạng xã hội đã trở thành vấn đề cấp thiết. Vấn đề này đã được nhiều nước quan tâm và có các chế tài cụ thể. Ở Ai Cập, những tài khoản mạng xã hội và blog có hơn 5.000 lượt theo dõi trên các nền tảng như Twitter, Facebook sẽ bị đối xử như hãng tin, từ đó có thể bị truy tố nếu đăng tin sai sự thật hoặc kích động phạm pháp.
Ở Đức, năm 2017, nội các của Thủ tướng Angela Merkel cũng từng đề xuất hình phạt lên tới 53 triệu USD đối với các mạng xã hội như Facebook nếu để tin tức giả mạo lan truyền. Với Việt Nam, liên quan đến dịch viêm phổi do virus Corona, Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường thông tin về tình hình dịch bệnh chính xác, kịp thời và các biện pháp để người dân chủ động phòng, chống dịch, không hoang mang, lo lắng. Tại một số địa phương, cơ quan công an đã phối hợp với lực lượng chức năng xử phạt hành chính một số đối tượng tung tin sai sự thật về dịch bệnh trên mạng xã hội.
Điều đáng mừng là mạng xã hội lớn nhất Facebook đang có những biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn những thông tin giả hoặc bóp méo sự thật về dịch viêm phổi do virus Corona gây ra, vốn đang lan truyền trên mạng. Động thái mới của Facebook được ghi nhận bởi trước đây, mạng xã hội này ít khi loại bỏ hoàn toàn bài viết của người dùng mà thường chỉ ẩn đi hoặc giảm tương tác.
Quyết định của Facebook được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố dịch viêm phổi do virus Corona gây ra là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Theo đại diện Facebook, các nội dung bị xóa bao gồm thông tin sai lệch về chữa virus Corona, phương pháp phòng ngừa sai thực tế hoặc bất kỳ nội dung nào gây hoang mang, nhầm lẫn, có nguy cơ gây hại cho cộng đồng. Các hashtag truyền bá thông tin sai lệch cũng bị chặn.