Theo dữ liệu được công bố vào 7/1 của Top10VPN.com, một trang web có trụ sở tại London đánh giá các dịch vụ mạng riêng ảo, năm ngoái có 122 lần sập mạng quy mô toàn cầu, với tổng thời lượng 18.225 giờ, xảy ra ở 21 quốc gia.
"Các sự cố mất mạng Internet khiến toàn bộ nền kinh tế kỹ thuật số rơi vào bế tắc," ông Samuel Woodhams, lãnh đạo bản quyền kỹ thuật số tại Top10VPN, cho biết trong một báo cáo gửi qua email.
Cũng theo ông Woodhams, các sự cố sập mạng hay gián đoạn truy cập Internet, mạng xã hội "gây thiệt hại lâu dài, góp phần làm mất niềm tin của nhà đầu tư và làm tổn thương nền kinh tế phi chính thức khi làm gián đoạn dòng tiền được kích hoạt bởi các nền tảng truyền thông xã hội và giao dịch di động.
Khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã ghi nhận những gián đoạn mạng "tốn kém nhất," với tổng giá trị 3,1 tỷ USD vào năm ngoái. Đây là khu vực xảy ra hàng loạt điểm nóng chính trị như Syria, Iraq và Iran.
Những phát hiện của báo cáo Top10VPN được đưa ra giữa lúc các hoạt động "tắt" mạng Internet do yêu cầu của các chính phủ tiếp tục không suy giảm trên toàn thế giới. Một số quốc gia đã chính thức kiểm soát Internet.
Chẳng hạn, Nga đã thông qua một đạo luật Internet có hiệu lực vào ngày 1/11/2019, cho phép chính phủ chặn lưu lượng truy cập Internet từ bên ngoài quốc gia trong trường hợp khẩn cấp và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ lọc và chuyển hướng lưu lượng.
Theo báo cáo của Top10VPN, năm 2019 có số vụ việc tắt Internet nhiều kỷ lục. Báo cáo cũng cho thấy chi phí kinh tế toàn cầu tăng 235% từ tổng số 2,4 tỷ USD trong 12 tháng kết thúc vào ngày 30/6/2016.
Năm quốc gia có nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự gián đoạn truyền thông xã hội và Internet lớn trong năm ngoái bao gồm Iraq, Sudan, Ấn Độ, Venezuela và Iran.
Các nền tảng truyền thông xã hội bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc tắt Internet là WhatsApp, Facebook, Instagram, Twitter và YouTube.