Thị trường TMĐT Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc

Tạp chí Nhịp sống số - Những năm gần đây, thị trường TMĐT Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc từ 16% đến 30%/năm và dự kiến sẽ đạt quy mô 20,5 tỷ USD trong năm 2023.

Từ những ngày đầu "sơ khai", đến nay thị trường TMĐT Việt Nam đã liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc, là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Nhiều thông tin và số liệu khả quan đã được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra tại Hội nghị phát triển thương mại điện tử Việt Nam, do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (1/12) tại Hà Nội.

Thị trường TMĐT Việt Nam đang có bước tăng trưởng vượt bậc

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, thị trường TMĐT Việt Nam đang trải qua giai đoạn 10 năm phát triển rực rỡ. Từ một khái niệm khá xa lạ với người tiêu dùng, giờ đây thị trường TMĐT Việt Nam liên tục ghi nhận tăng trưởng vượt bậc ở mức 16-30%/năm, dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023. 

Thị trường TMĐT Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị

"Hiện nay, TMĐT ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Cùng với đó, thị trường TMĐT Việt Nam cũng đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ thứ cấp cho thị trường bao gồm: dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát v.v... Sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ này ngày càng giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Minh chứng cho nhận định này, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương - cũng cho biết: thị trường TMĐT Việt Nam nằm trong top 10 thế giới về tăng trưởng và dự đoán tiếp tục thăng hạng trong 2 năm tới.

Mới đây, báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á lần thứ tám do Google, Temasek và Bain & Company công bố hồi tháng 11/2023 cũng cho biết: với trụ cột là TMĐT, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á năm thứ hai liên tiếp (2022 & 2023). Đồng thời, dự báo tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa (GMV) trong hai năm tới sẽ được dẫn dắt bởi thương mại điện tử và du lịch trực tuyến.

TMĐT ở Việt Nam tăng 11% từ năm 2022 đến 2023 và tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) kỳ vọng tăng 22% đến năm 2025, hướng đến mục tiêu tổng giá trị hàng hóa đạt 24 tỷ USD trong năm 2025.
(Theo Báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á lần thứ tám)

Bên cạnh những con số lạc quan, thị trường TMĐT Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức khiến người tiêu dùng gặp không ít trở ngại khi mua hàng trực tuyến. Đó là chất lượng hàng hoá kém so với quảng cáo, khó kiểm định chất lượng, xuất xứ hàng hoá. Ngoài ra, hạ tầng logistics thương mại điện tử chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường hay đảm bảo an ninh thông tin…

Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, sau giai đoạn tăng trưởng nhanh, để duy trì tốc độ phát triển nhanh cho TMĐT là áp lực rất lớn. Trong đó, điều quan trọng nhất cần có các giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái phát triển bền vững TMĐT, bảo vệ người tiêu dùng và các chủ thể tham gia giao dịch trực tuyến; thúc đẩy doanh nghiệp, sàn TMĐT kinh doanh có trách nhiệm…

Chuyển đổi toàn diện thị trường, hướng đến phát triển bền vững

Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh, đây là thời điểm chín muồi để cùng chung tay thực hiện chuyển đổi toàn diện cho thị trường TMĐT Việt Nam. Cùng với chủ trương chuyển đối số toàn diện từ Chính phủ, các hạ tầng số có liên quan như dịch vụ logistics thông minh, thanh toán điện tử, hoá đơn điện tử, hợp đồng điện tử, xác thực định danh điện tử đều đang có những bước chuyển mình nhanh chóng. Việc có đầy đủ nguồn lực, nguyên liệu để xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử hướng đến chất lượng, bảo vệ cho người tiêu dùng và cả các bên, các chủ thể khác tham gia giao dịch...

Thị trường TMĐT Việt Nam
Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - cho rằng đây là thời điểm chín muồi để chuyển đổi toàn diện cho thị trường TMĐT Việt Nam

"Để thị trường TMĐT Việt Nam phát triển bền vững, cần có các yếu tố như tăng trưởng ổn định, tích cực, đảm bảo sự cân bằng, đáp ứng xu thế xanh, bảo vệ môi trường và đặc biệt là bảo vệ người tiêu dùng", bà Lê Hoàng Oanh nhận định

Tham gia ý kiến về chủ đề này, ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok Việt Nam - cũng cho biết: "Thị trường TMĐT Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển mới, tập trung vào mục tiêu bền vững dựa trên sự kết hợp giữa thị trường và công nghệ nhằm mang đến trải nghiệm mua sắm kết hợp giải trí liền mạch, sáng tạo và an toàn cho người tiêu dùng. Minh chứng điển hình việc các doanh nghiệp, hộ kinh doanh - đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ - được hỗ trợ bán hàng hiệu quả; quảng bá nông sản vùng miền, sản phẩm OCOP…"

Thông tin thêm tại Hội nghị, đại diện Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cũng chia sẻ về chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến. Những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực thương mại điện tử từ góc độ cơ quan quản lý địa phương, ngân hàng, tổ chức thanh toán, các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp chuyển phát… cũng được làm rõ.

Trong bối cảnh đó, theo các diễn giả, Bộ Công Thương đã đưa ra mô hình hệ sinh thái số để phát triển thương mại điện tử bền vững, từ các hoạt động chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số đến các nhóm giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các chủ thể tham gia giao dịch thương mại điện tử. Đây được kỳ vọng là những nhân tố mới để thúc đẩy thị trường TMĐT Việt Nam phát triển bền vững và lành mạnh, vượt qua những áp lực chủ quan và khách quan. 

Thị trường TMĐT Việt Nam

Trong khuôn khổ Hội nghị, đã diễn ra ký kết hợp tác, tham gia hệ sinh thái số, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giữa các cơ quan quản lý, sàn thương mại điện tử, trung gian thanh toán, ngân hàng.

Có thể bạn quan tâm

Báo cáo mới nhất từ IDC cho thấy Honor và Huawei đã chiếm vị trí đầu tiên về thị phần tại quê nhà Trung Quốc trong quý 1/2024, trong khi Apple rơi xuống vị trí thứ 4, sau cả Oppo.