Theo Android Authority, tờ báo của Trung Quốc chỉ ra mối quan hệ Mỹ - Trung và các hành động chống lại công ty công nghệ Trung Quốc của Mỹ gần đây như là một lý do để phản đối thỏa thuận. Họ cho rằng nếu ARM rơi vào tay Mỹ, các công ty công nghệ Trung Quốc chắc chắn sẽ bị đặt vào thế bất lợi trên thị trường.
“Không chỉ Huawei, tất cả công ty công nghệ Trung Quốc được đưa vào Danh sách đen của Mỹ có thể bị loại khỏi chip dựa trên ARM, trong khi các công ty châu Âu sử dụng công nghệ ARM cũng có thể gặp khó khăn trong việc cung cấp sản phẩm cho thị trường Trung Quốc, góp phần gây ra sự gián đoạn lớn cho chuỗi cung ứng”, Thời báo Hoàn cầu nhận định.
ARM có trụ sở tại Anh nhưng thuộc sở hữu của SoftBank (Nhật Bản) được cho là đã tạm dừng một số giao dịch kinh doanh với Huawei sau lệnh cấm của Mỹ vào tháng 5.2019, nhưng đã nối lại một số quan hệ với Huawei ngay sau đó. Tuy nhiên, quyền sở hữu của một công ty Mỹ như NVIDIA có thể sẽ làm phức tạp thêm các vấn đề đối với Huawei và bất kỳ công ty Trung Quốc nào khác hứng chịu các hành động của Mỹ.
ARM cũng được coi là một công ty trung lập trong ngành điện toán và di động, cung cấp công nghệ của mình cho các khách hàng như Apple, Huawei, MediaTek, Qualcomm, Samsung... Sau khi có những mối nghi ngờ về việc tính trung lập này bị ảnh hưởng, hai công ty khẳng định các hoạt động kinh doanh vẫn như bình thường và tính trung lập sẽ được duy trì.
Sự kết hợp giữa những lo ngại về tính trung lập của ARM dưới thời NVIDIA và những hậu quả tiềm tàng đối với các công ty Trung Quốc sẽ khiến thỏa thuận có thể đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý trên toàn thế giới.