Trong một bài viết trên Wired, Giáo sư Sử học Yaval Noah Hariri - tác giải hai cuốn sách “Homo Sapiens" (Người Khôn ngoan) và "Homo Deus" (Người Thần thánh) – cho rằng: “Dữ liệu giáo là một hệ thống đạo đức mới cho rằng, đúng, con người vô cùng đặc biệt và quan trọng bởi vì từ xưa đến nay họ vẫn là hệ thống xử lý thông tin phức tạp nhất trong vũ trụ, nhưng bây giờ mọi chuyện đã khác. Điểm bùng phát xảy ra khi bạn có một thuật toán bên ngoài hiểu bạn - những tình cảm, cảm xúc, lựa chọn, ham muốn của bạn - tốt hơn cả chính bạn hiểu mình".
Chẳng hạn, trong đời sống tình cảm, hàng triệu trái tim cô đơn đã tìm thấy hạnh phúc nhờ những "bà mối" online như Tinder, Match.com hay Okcupid nhờ vào những thuật toán ghép đôi vô cùng tinh vi. Các bác tài xế ngày nay cũng chuyển sang dùng "Google Maps" thay vì chọn tin vào trí nhớ của mình.
Còn Amazon từ lâu đã tin vào các thuật toán và dữ liệu lớn hơn các nhà biên tập sành sỏi trong việc gợi ý sách cho độc giả. "Hãy tin vào mình" của chủ nghĩa nhân văn giờ đang được chuyển thành "Hãy tin vào các thuật toán". Con người đang bị các nhà khoa học giải mã và một khi họ hiểu các cảm xúc được kích hoạt và hoạt động như nào, bí ẩn của "ý thức" nằm ở đâu thì bạn sẽ mất đi một trong những phẩm chất làm người cốt lõi nhất của mình: ý chí tự do.
Ngày nay chúng ta lướt Facebook, xem Youtube, dùng Iphone nhiều hơn nói chuyện, đọc sách hay thảo luận chính trị.
Và trong các hoạt động trên không gian internet với các thiết bị công nghệ như thế, người nắm giữ sự chú tâm thực sự của chúng ta thuộc về các ông chủ công nghệ như Tim Cook, Mark Zuckerberg, Larry Page...chứ không phải các nhà truyền đạo, nhà thơ hay chính trị gia. Tôn giáo có sức ảnh hưởng lớn nhất trong tương lai sẽ không đến từ vùng đất thánh Jerusalem mà đến từ thung lũng Silicon.
Một trật tự thế giới mới đang mở ra. Vị thánh sáng suốt nhất không phải là Chúa, cũng không phải là bạn, mà có lẽ sẽ là các thuật toán.