Thương mại điện tử Việt Nam dự báo đạt kỷ lục 16 tỷ USD năm 2022

Tạp chí Nhịp sống số - Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ (B2C) của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 16,4 tỷ USD, đánh dấu năm đầu tiên đạt cột mốc này.

So với năm 2015 (năm bắt đầu giai đoạn nở rộ thương mại điện tử tại Việt Nam), dự báo năm 2022 trị giá thương mại điện tử bán lẻ sẽ tăng gấp 4 lần, từ 4 tỷ USD lên hơn 16 tỷ USD. Dự báo, đến năm 2025, Việt Nam sẽ đạt mức 39 tỷ USD, đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, theo số liệu công bố tại Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố, dự báo năm 2022, nền kinh tế thương mại điện tử của Việt Nam sẽ ghi nhận một số kỷ lục năm.

Cụ thể, theo ước tính, lần đầu tiên số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến của Việt Nam sẽ đạt 57 triệu người và có thể chạm mốc 60 triệu người. Số lượng mua sắm trực tuyến lần đầu đạt 260 – 285 USD/người. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C sẽ vượt mốc 7%, đạt từ 7,2% - 7,8% thị phần trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng Việt Nam.

Trước đó, năm 2021, thương mại điện tử của Việt Nam đã đạt mức 13 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng trong top 3 nước có tốc độ tăng trưởng bán lẻ online lớn nhất trong khu vực, chỉ sau Indonesia và Thái Lan.

Phát biểu tại hội thảo “Thương mại điện tử trong Hiệp định UKVFTA - Chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh” diễn ra trong tháng 1/2022, Giám đốc Trung tâm ứng dụng CNTT xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Thúy dự báo, giao dịch điện tử sẽ tăng trưởng ấn tượng, bao gồm cả khu vực nông thôn. Điều này nhờ vào tác động trong việc triển khai đề án về thương mại điện tử, nâng cao năng lực của người dân trong việc thực hiện giao dịch điện tử.

Trong thời gian tới, xu hướng chuyển dịch sang dùng nền tảng di động sẽ tăng cao do nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh. Từ đó, dự báo số lượng người sử dụng và lượt truy cập cũng như các giao dịch sẽ tăng lên. Đặc biệt, thanh toán ví điện tử sẽ dần thay thế thanh toán truyền thống khi mà đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.