Theo Reuters, bà Warren đang tìm cách làm nổi bật mình trong cuộc đua đến chiếc ghế Tổng thống Mỹ vốn có nhiều ứng viên đảng Dân chủ sẽ diễn ra vào năm 2020. Warren cho rằng đã đến lúc phải thách thức sức thống trị gia tăng của các hãng công nghệ lớn nhất Mỹ.
“Chúng ta có nhiều hãng công nghệ khổng lồ cho rằng họ thống trị cả thế giới. Tôi không muốn một chính phủ làm việc cho nhiều hãng công nghệ khổng lồ. Tôi muốn một chính phủ làm việc vì người dân”, bà Warren nói trước đám đông 300 người ở Long Island City thuộc New York.
Cách đây không lâu, Amazon đột ngột hủy kế hoạch xây dựng trụ sở mới, có thể tạo ra 25.000 việc làm ở New York vì sự phản đối của lãnh đạo chính trị địa phương. Trong sự kiện được tổ chức không xa nơi Amazon từng muốn xây trụ sở, bà Warren cho rằng các hãng công nghệ lớn đến nhiều thị trấn, thành phố và tiểu bang, “bắt nạt mọi người và làm những gì họ muốn”. Hãng lớn khiến giới doanh nghiệp nhỏ và startup gặp khó.
Trước đó một ngày, bà Warren cho biết sẽ ủng hộ các quy định nới lỏng những thương vụ thâu tóm như kiểu Facebook mua WhatsApp và Instagram, Amazon thâu tóm Whole Foods và Zappos, còn Google mua Waze, Nest và DoubleClick. Cổ phiếu của ba hãng công nghệ bị thượng nghị sĩ nhắc đến tên đều lao dốc trong ngày giao dịch 8/3.
Bà Warren cũng đề xuất quy định yêu cầu các hãng công nghệ như Google và Amazon, những hãng cung ứng thị trường hoặc sàn trao đổi trực tuyến không được cạnh tranh trên chính nền tảng của họ. Quy định này, nếu có, sẽ khiến Amazon không thể bán hàng mang thương hiệu của họ trên nền tảng Amazon Marketplace.
Chính phủ Mỹ rất hiếm khi tìm cách đảo ngược thỏa thuận lớn. Vụ việc nổi tiếng nhất gần đây là nỗ lực chia tách Microsoft. Bộ Tư pháp Mỹ từng giành chiến thắng sơ bộ năm 2000 nhưng kết quả bị đảo ngược khi doanh nghiệp kháng cáo. Cuối cùng, Microsoft vẫn nguyên vẹn.
Gần đây, Amazon và Facebook gây nhiều chú ý với giới lãnh đạo Mỹ. Mô hình kinh doanh của Amazon khiến các hãng bán lẻ truyền thống lao đao. Công ty cũng bị chỉ trích bởi mức lương bổng thấp dành cho nhân viên nhà kho. Facebook thì khiến giới lập pháp giận dữ vì bê bối dữ liệu người dùng và không nỗ lực ngăn chặn nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Với Google, hãng có vấn đề với một số công ty nhỏ hơn như Yelp vì vị trí tìm kiếm. Doanh nghiệp cũng gây chú ý với thông tin có thể “tái xuất” tại thị trường Trung Quốc và tuân thủ chính sách kiểm duyệt, do thám của nước này. Mặt khác, giới công nghệ lớn là vài trong số các nhà tài trợ chính trị lớn nhất. Google chi 21 triệu USD để vận động hành lang năm 2018, trong khi Amazon và Facebook chi lần lượt 14,2 triệu USD và 12,62 triệu USD.