Chính phủ các nước đang lo ngại TikTok góp phần lan tỏa thông tin sai lệch, cùng với những tin đồn rằng ứng dụng này có thể chuyển dữ liệu cá nhân của người dùng cho chính phủ Trung Quốc.
Trước khi CEO TikTok Shou Zi Chew tham gia phiên điều trần trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại của Hạ viện Mỹ vào ngày 23/3, nền tảng ứng dụng này đã đưa ra những nguyên tắc cộng đồng mới, như một cách xoa dịu chỉ trích ngày càng tăng đang nhắm vào công ty mẹ ByteDance.
Julie de Bailliencourt - Giám đốc chính sách sản phẩm toàn cầu của TikTok nói về bản cập nhật mới: "Những tiêu chuẩn này dựa trên cam kết của chúng tôi trong việc bảo vệ quyền con người và phù hợp với các khuôn khổ pháp lý quốc tế".
Vào năm 2020, TikTok đã cấm những nội dung deepfake sử dụng hình ảnh người nổi tiếng lan truyền thông tin sai lệch. Bản cập nhật mới sẽ cấm thêm việc sử dụng deepfake đối với người thường và đặc biệt là người dùng nhỏ tuổi. Deepfake là một kỹ thuật tổng hợp mặt người với sự trợ giúp của phần mềm AI (trí tuệ nhân tạo), giúp tạo ra những gương mặt người chuyển động giống như thật.
Tuy nhiên, hình ảnh deepfake người của công chúng vẫn được chấp nhận trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn nếu nội dung đó liên quan đến nghệ thuật hoặc được dùng vì mục đích giáo dục. Deepfake với mục đích chính trị hay truyền bá thông tin sai lệch thì bị cấm hoàn toàn. TikTok định nghĩa “người của công chúng” là những người từ 18 tuổi trở lên, nắm giữ các chức vụ quan trọng, chẳng hạn như quan chức chính phủ, chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp hoặc người nổi tiếng.
TikTok cho biết những nội dung sử dụng deepfake phải được dán nhãn để cảnh báo cho người xem. Những nguyên tắc mới sẽ có hiệu lực từ ngày 21/4.