Quyết định trên được đưa ra khi ứng dụng video âm nhạc và mạng xã hội bị cáo buộc đã chia sẻ dữ liệu người dùng với chính phủ Trung Quốc, và hiện phải đối mặt với sự xem xét kỹ lưỡng từ phía các nhà lập pháp Mỹ.
“Trung tâm Minh bạch” sẽ được mở tại văn phòng của TikTok ở Los Angeles (Mỹ), nơi các chuyên gia từ bên ngoài sẽ giám sát hoạt động của công ty. Trung tâm này sau đó sẽ cung cấp thông tin về mã nguồn của ứng dụng, các hướng dẫn nội bộ được bảo vệ nghiêm ngặt của phần mềm và chi tiết về quyền riêng tư và bảo mật.
Theo luật năm 2017 của Trung Quốc, các công ty hoạt động ở nước này bắt buộc phải hợp tác với chính phủ về thông tin tình báo. Do đó, một số cơ quan của Mỹ đã cấm nhân viên dùng TikTok vì những lo ngại đến vấn đề an ninh quốc gia. Cụ thể, Hải quân Mỹ hồi tháng 12.2019 đã cấm ứng dụng này trên các thiết bị do chính phủ cung cấp và gọi đó là mối đe dọa an ninh mạng. Tháng trước, Cục An ninh Vận tải Mỹ cũng đã ngừng cho phép nhân viên sử dụng TikTok để tạo các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội cho cơ quan. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Josh Hawley đã kêu gọi lệnh cấm dùng TikTok đối với tất cả nhân viên liên bang hồi tuần trước, cho thấy mối quan tâm sâu sắc của các nhà lập pháp trước nguy cơ thu thập và chia sẻ dữ liệu của người dùng Mỹ với chính phủ Trung Quốc.
Đáp lại, TikTok đã phủ nhận các khiếu nại, nói rằng dữ liệu của người dùng Mỹ được lưu trữ tại Mỹ và Trung Quốc không có quyền đối với dữ liệu không đặt ở trong nước. Tháng 12/2019, công ty đã xuất bản báo cáo minh bạch đầu tiên trước yêu cầu từ phía chính phủ Mỹ đối với thông tin tài khoản của người dùng.
TikTok là ứng dụng thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance, cho phép người dùng tạo và chia sẻ các video ngắn với hiệu ứng âm nhạc đặc biệt. Hiện ứng dụng này không chỉ phổ biến ở Đông Nam Á, Ấn Độ và còn có số lượng người dùng thanh thiếu niên tăng lên nhanh chóng ở Mỹ.