Internet, bao gồm cả kết nối mạng phía sau bức tường lửa - Great Firewall của Trung Quốc, đang ngập tràn các thông tin giả mạo mà đa phần liên quan đến các phương án chữa trị tự phát và những giả thiết không có chứng minh liên quan đến Covid-19. Thông tin sai sự thật có nhiều loại, từ chuyện phao tin Vitamin D giúp ngăn virus, nước tỏi đun sôi là phương pháp chữa bệnh, uống cồn hay thuốc sốt rét giúp bảo vệ trước Corona chủng mới, tới “thuyết âm mưu” Corona chủng mới do Canada tạo ra và bị gián điệp Trung Quốc đánh cắp…
Theo một nghiên cứu từ Viện công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) từ năm 2018, tin thất thiệt trông thuyết phục hơn cả các dữ kiện thực, chính vì vậy người dùng thường có xu hướng chia sẻ các nội dung này. “Ngoài ra, các câu chuyện không đúng sự thật này thường tạo cảm giác sợ hãi, ghê sợ, còn những chuyện thật lại mang tới sự dự đoán, nỗi buồn, vui và niềm tin”, báo cáo cho hay..
Hồi tháng 2, Tổ chức Y tế Thế giới - WHO đã chủ trì một cuộc họp tại Thung lũng Silicon (Mỹ) với các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực internet để thảo luận về phương án ngăn chặn dòng tin giả liên quan đến đại dịch. Facebook và Twitter là hai hãng đi đầu ngành mạng xã hội cũng tham gia sự kiện. WHO hiện đăng tải các thông tin chính thức trên nhiều kênh truyền thông mạng xã hội của tổ chức, bao gồm cả nền tảng video TikTok phổ biến với lứa tuổi thanh niên bây giờ.
“Khi nói về truyền thông xã hội, chúng ta đang nói về một thế giới hoàn toàn khác. Ở đó không chỉ các nhà báo chân chính hay trang tin lá cải mà tất cả mọi người đều có thể phát tán tin đồn”, Giáo sư Michel Hockx (bộ môn Văn hóa và Văn học Trung Quốc tại Đại học Notre Dame, Mỹ) chia sẻ.
Thông tin sai lệch đã trở thành một vấn đề đáng chú ý của truyền thông xã hội phương Tây kể từ cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, thời điểm Facebook đóng vai trò không nhỏ trong việc lan tràn tin giả mạo và các vấn đề đối lập chính trị. Mạng xã hội lớn nhất thế giới liên tục chịu chỉ trích suốt những năm qua và cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng hiện tại mang tới cơ hội để thế giới một lần nữa theo dõi những nỗ lực để kiềm chế dòng chảy tin thất thiệt trên nền tảng trực tuyến.
Facebook lập tức thực thi nhiều biện pháp để gỡ bỏ nội dung bị báo cáo giả mạo thuyết âm mưu. Hãng phối hợp cùng 56 đối tác chuyên kiểm tra thông tin, sử dụng 46 ngôn ngữ khác nhau nhằm đánh giá tin thất thiệt, cảnh báo người dùng khi đọc hoặc chia sẻ các nội dung này. Công ty còn miễn phí quảng cáo cho WHO và các tổ chức y tế để chạy những chiến dịch cung cấp thông tin về virus Corona chủng mới trên nền tảng của mình.
Twitter, đối thủ số 1 của Facebook lại có cách tiếp cận khác trong vấn đề. Đại diện công ty cho biết hãng chủ yếu theo dõi thao tác trên nền tảng và đảm bảo nội dung đáng tin cậy xuất hiện ưu tiên khi người dùng tìm kiếm hoặc tra khảo xu hướng liên quan tới Covid-19.
Trong bài đăng blog, phía TikTok cho biết đã hợp tác cùng các tổ chức chuyên kiểm tra tính tin cậy thông tin, hiển thị thông báo nổi bật trên phần mềm, sử dụng hashtag liên quan đến virus Corona để nhắc nhở người dùng nền tảng này nhằm tránh lan truyền tin giả.
Tính riêng tại Trung Quốc, WHO làm việc với những “đại gia internet” nội địa như Tencent, Weibo nhằm kiểm soát tin đồn và tin thất thiệt. Tuy nhiên, nội dung trên mạng xã hội ở Trung Quốc bị kiểm soát nghiêm ngặt bởi Cục An ninh mạng Trung Quốc (CAC), cơ quan hàng đầu quốc gia chuyên theo dõi các vấn đề trên internet.
Tháng 2.2020, CAC báo cáo xử lý một loạt nền tảng trực tuyến vì đăng tải nội dung không phù hợp, gây hiểu lầm liên quan tới Covid-19. Đơn vị đồng thời giám sát và hướng dẫn Tencent, Sina, ByteDance (đều vận hành những nền tảng mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc).
Bất chấp nỗ lực lớn lao từ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, tin giả vẫn tiếp tục phát tán. Ví dụ điển hình là Poynter - cơ quan báo chí phi lợi nhuận sở hữu mạng lưới kiểm tra thông tin quốc tế IFCN phát hiện một tấm ảnh chụp vệ tinh thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), tâm chấn của đại dịch được lan truyền trên mạng kèm thông tin cho thấy mật độ lưu huỳnh trong không khí cao, được xem là bằng chứng chính quyền Trung Quốc đã hỏa táng hàng ngàn người nhiễm bệnh.
Tuy nhiên thực tế cho thấy đó không phải là ảnh chụp vệ tinh và dựa trên lịch sử dữ liệu và thành tố thời tiết, đó giống với dự báo chất lượng không khí hơn. Dù vậy, thông tin giả vẫn được chia sẻ lại rất nhiều lần dựa trên kết quả tìm kiếm các từ khóa “sulphur dioxide” (lưu huỳnh dioxide) và “Wuhan” (Vũ Hán).
rên Facebook, tin tương tự bị báo cáo và không còn được chia sẻ từ trung tuần tháng 2, nhưng một số bài đăng còn tồn tại vẫn chưa bị dán nhãn tin thất thiệt. Facebook sử dụng thuật toán để tạo ra nhóm thông tin có khả năng giả để các đơn vị kiểm chứng, đánh giá dựa trên phản ánh của người dùng hoặc nội dung tương tự từng bị bác bỏ trước đó.
Twitter xử lý thông tin giả chủ yếu nhắm vào nội dung có hành vi spam. “Mọi người đều đóng vai trò trong việc ngăn chặn tin giả phát tán trên internet và chúng tôi khuyến khích tất cả người dùng Twitter không chia sẻ thông tin trừ phi họ xác thực được nội dung”, đại diện mạng xã hội lớn thứ 2 thế giới lên tiếng.
“Tôi không cho rằng kiểm duyệt sẽ mang lại nhiều kết quả trong việc ngăn chặn thông tin sai lệch, trừ trường hợp tất cả nền tảng thực hiện việc đó cùng lúc. Khi chỉ một vài mạng xã hội kiểm duyệt, người ta sẽ chuyển qua nền tảng khác và thậm chí còn tin tưởng lựa chọn mới này hơn vì không ngăn chặn những thông tin đó. Điều này sẽ khiến nỗ lực kiểm soát tin thất thiệt thiếu hiệu quả hơn”, Niam Yaraghi - trợ lý giáo sư tại Đại học Connecticut (Mỹ) nói.