Theo đó, trong gian đoạn từ 30.5.2017 đến 29.5.2018, tốc độ internet toàn cầu đo từ 163 triệu bài thử nghiệm độc lập cho thấy kết quả tăng 23%. Tốc độ kết nối băng thông rộng trung bình đo được đạt 9,1 Mbps, tăng so với mức 7,4 Mbps của năm trước đó.
Châu Âu, Mỹ và các trung tâm kinh tế phát triển mạnh tại châu Á như Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông đang dẫn đầu thế giới về tốc độ, mức ổn định băng thông rộng. Theo BGR, kết quả này cũng phản ánh mối liên quan giữa băng thông internet và sức khỏe của nền kinh kế.
Trong đó, Singapore đang là quốc gia có tốc độ internet cao nhất thế giới (trung bình đạt 60,39 Mbps). Quốc đảo này nằm vị trí số một trong hai năm liên tiếp. Nhật Bản đứng thứ hai châu Á, thứ 12 toàn cầu với 28,94 Mpbs và vùng lãnh thổ Đài Loan xếp vị trí số 3 khu vực, số 14 toàn cầu (28,09 Mbps).
Cũng tại châu Á, Việt Nam đứng thứ 75 với tốc độ tải trung bình đạt 6,72 Mpbs, tụt một bậc so với năm trước (đo từ tháng 6.2016 tới tháng 7.2017).
Trong khi đó, Trung Quốc rớt từ vị trí 134 xuống còn 141 khi tốc độ internet tải về chỉ đại 2,4 Mps, cao hơn gấp đôi so với các nước có tốc độ thấp nhất thế giới như Syria, Somalia (dưới 1 Mpbs).
3 quốc gia, vùng lãnh thổ đứng đầu châu Á còn xếp cao hơn Mỹ, hiện đứng thứ 20 trong danh sách những nước có tốc độ internet nhanh nhất thế giới. Mỹ tăng một bậc so với năm 2017, không nhiều nhưng nếu tính theo tốc độ được cải thiện từ 20 Mbps lên 26 Mpbs thì là một con số lớn, cao hơn mức tăng trưởng trung bình toàn cầu.
Dan Howdle, chuyên gia phân tích viễn thông tại công ty Cable nhận định tốc độ băng thông trung bình tăng 23% chỉ trong một năm cho thấy bức tranh tích cực toàn cầu. “Tuy nhiên khi quan sát gần hơn, chúng ta sẽ thấy tăng trưởng chỉ tập trung vào nhóm ở trên. Những quốc gia phát triển nhanh hơn thì internet cải thiện nhanh”, Dan nhận định.