Nhắc đến Tiến sĩ Trần Việt Hùng, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam thường biết đến anh như một trong những người Việt có sản phẩm nổi tiếng ở Thung lũng Silicon. Startup của anh là Got It hiện nay đang là ứng dụng hỗ trợ học tập được sử dụng ở nhiều nước, nhiều trường đại học. Anh cũng là thành viên của Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới Giáo dục & Đào tạo giai đoạn 2016 - 2021.
Trong năm 2020, anh cùng nhiều tình nguyện viên đã cùng nhau xây dựng Steam for Vietnam, một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, hướng tới đào tạo miễn phí Steam cho các bạn trẻ Việt Nam, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh cấp 2.
Từ học lập trình đến học cách giải quyết vấn đề cuộc sống
Năm 2019, Got It nhận một học sinh 13 tuổi vào thực tập ở vị trí phát triển phần mềm. Chỉ trong 3 tháng, bạn nhỏ đó đã có thể hoàn thành giáo trình nhập môn khoa học máy tính bậc đại học của Mỹ. Sau đó bạn này đã biến từ xe ô tô điện đồ chơi thành xe tự lái.
Thế giới công nghệ không thiếu những câu chuyện như vậy. Những “đại gia công nghệ”, người nổi tiếng hay có vai trò trong thay đổi thế giới như Bill Gate, Mark Zuckerberg, Elon Musk… cũng là những người bắt đầu từ lập trình và tiếp cận máy tính từ tuổi lên 10.
Nhiều người nổi tiếng ở thung lũng Silicon cũng bắt đầu học lập trình, công nghệ ở lứa tuổi này. Các bạn nhỏ ở giai đoạn này có khả năng tiếp thu, có một chút nhận thức về toán học và các bạn đó luôn có tinh thần không gì là không thể trong người.
“Đây chính là khởi nguồn cho ý tưởng thành lập một tổ chức giáo dục cho trẻ em”, Tiến sĩ Trần Việt Hùng cho biết.
Môn học đầu tiên của các bạn nhỏ tại Steam for Vietnam là tư duy máy tính. Không chỉ vì đội ngũ ban đầu của tổ chức là những chuyên gia công nghệ, môn học này còn có thể áp dụng vào cuộc sống.
Theo anh, tư duy máy tính gồm 4 bước: Tách - Tìm - Nhìn - Viết. Tách là việc chia nhỏ vấn đề lớn thành các mục tiêu nhỏ. Tìm là xác định điểm chung của các vấn đề. Nhìn để loại bỏ các vấn đề không liên quan, gây mất tập trung khi giải quyết. Viết là tạo ra bước cụ thể để giải quyết vấn đề và cần làm theo.
Trẻ em có thể nhớ và học theo ngay. Có bạn áp dụng phương pháp trên vào việc dọn nhà, biết dọn từ đâu trước.
Tiến sĩ Trần Việt Hùng cho rằng: “Nếu mỗi người học được các kỹ năng trên, áp dụng như một bản năng trong cuộc sống thì họ sẽ trở thành con người hữu dụng và làm việc hiệu quả, bất kể là theo ngành nghề nào”.
Một câu chuyện khác được anh chia sẻ từ khóa học. Đó là khi đám trẻ được học và thực hành những kỹ năng mềm, chẳng hạn như khả năng nhìn nhận khách quan khi mình đánh giá kết quả của ai đó. Tại đây, đôi khi những người hướng dẫn sẽ cho các em nhỏ chấm bài của bạn mình. Có bé chấm cho bạn 1 điểm dù bạn không sai gì. Có khi là do người lớn xui, có thể là do bạn ý ganh đua phải xếp vị trí số 1 trong lớp. Nhưng sau đó hệ thống sẽ hiển thị kết quả, cùng một bài thi mà 4 người còn lại chấm kết quả cao, thì người đánh giá bạn “1 điểm” sẽ nhận ra và lần sau sẽ thay đổi hành vi.
Nhóm cũng có một thành công đặc biệt, khi dành cả 6 tuần làm việc để mời một nhà khoa học từ NASA về nói chuyện với các bé. Đó là người lãnh đạo bộ phận điều hành, dẫn đường trong dự án Artemis (kế hoạch đưa người trở lại mặt trăng vào năm 2024 của NASA). Câu chuyện công nghệ vũ trụ không phải là những thứ quá xa vời, mà sẽ hiển hiện như con người thật của vị chuyên gia nọ và các câu chuyện của ông.
Đó là thời điểm những đứa trẻ nhận ra, các nhà khoa học của NASA lừng lẫy cũng là “người bình thường” như tất cả chúng ta, và thổi bùng, nuôi dưỡng ước mơ trong tươi lai mình sẽ trở thành như vậy. Đó là điều thật kỳ diệu, khi những ước mơ thông thường có thể trở thành hoài bão và khích lệ những người trẻ tuổi trong tương lai!
Để học sinh có thể “chọn thày, chọn lớp”
Tính đến hết năm 2020, Steam for Vietnam có 140 tình nguyện viên. Nhiều người là những chuyên gia từ các tập đoàn lớn như Microsoft, Amazon, Google. Chương trình cũng đã có 48.000 giờ học online và học sinh người Việt từ 34 quốc gia khác nhau. Để làm được điều này bắt buộc phải có công nghệ giáo dục.
Theo tiến sĩ Trần Việt Hùng: “Muốn có nhiều học sinh giỏi, cần có nhiều giáo viên giỏi. Nhưng việc này rất khó, nên có thể giải quyết bài toán giáo viên giỏi bằng cách để một thầy giỏi dạy cho hàng triệu học sinh, thay vì một lớp học kiểu truyền thống chỉ có vài chục học sinh..”.
Quan trọng nhất là cá nhân hóa trải nghiệm học tập của từng người. Đây là mục tiêu khó nhất vì mỗi cá nhân có một cách học tập khác nhau.
Hiện nay một bài học, chỉ có một thầy dạy. “Nếu thầy hợp với học sinh nào thì học sinh đó sẽ học nhanh hơn còn học sinh khác sẽ thành học chậm, không hiểu bài. Vậy việc cần làm tìm được đúng cách học của học sinh đó và cá nhân hóa” - anh Hùng cho biết.
Công nghệ có thể giải quyết tất cả những vấn đề trên. Mô hình học “online merge offline” là học sinh vẫn cần đến lớp để có tương tác với môi trường giáo dục. Nhưng tới giờ học, mỗi bạn sẽ sử dụng một máy tính, tai nghe để cùng nghe giảng của một thầy giỏi nhất.
Vậy với người thầy giỏi nhất này, có thể cùng lúc dạy cho học sinh ở cả nước. Và học sinh có quyền chọn, hợp với cách dạy của thầy nào thì truy cập vào lớp học của thầy đó. Các giáo viên dạy học online cũng có sẵn công nghệ để xác định từng học sinh của mình hiểu bài đến đâu như công nghệ theo dõi mức độ tập trung từng nội dung. Bên cạnh đó, các giáo viên đứng lớp sẽ “đóng vai” trò trợ giảng, hỗ trợ học sinh khi làm bài tập.
Như vậy học sinh luôn được học thầy giỏi, dù ở đâu, điều kiện kinh tế ra sao. Học sinh vẫn tới trường để có tương tác xã hội như mọi trẻ em và sẽ được học những người mình thấy phù hợp nhất.
Tới nay đã có 3 trường hợp tác với Steam for Vietnam để đưa mô hình giáo dục trên vào ứng dụng trong thực tế. Trong năm 2021, mục tiêu của tổ chức là đào tạo được cho 200 đến 250 nghìn học sinh.