Trong bối cảnh thông tin đa chiều và khá nhiễu loạn hiện nay, sẽ thật tốt nếu chúng ta đặt một chút hoài nghi về các nội dung bài viết từ bách khoa toàn thư điện tử Wikipedia. Lý do thì rất nhiều, trong đó có thể là những thông tin lỗi thời mà các biên tập viên (là con người) chưa kịp cập nhật hoặc thiếu thông tin để cập nhật. Đó là lúc các bot (các dòng lệnh tự động) có thể tham gia chỉnh sửa Wikipedia, nhưng chúng mới chỉ được giới hạn ở một số khuôn mẫu lập trình nhất định để tham gia cập nhật hoặc chống lại sự phá hoại.
Các nhà nghiên cứu tại viện MIT của Mỹ đã đưa ra một giải pháp mới hiệu quả hơn, họ phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) tự động viết lại các đoạn văn bản đã lỗi thời trong các bài viết trên Wikipedia, trong khi vẫn giữ văn phong tự nhiên của con người. Sau đó, nó sẽ cập nhật nội dung một cách cẩn thận và đảm bảo tính khách quan, chính xác của bài viết.
Hệ thống này dựa trên công nghệ máy học đã được “đào tạo” để nhận ra sự khác biệt giữa các bài viết có sẵn trên Wikipedia và bài đề xuất với các sự kiện hoặc nội dung được cập nhật mới. Nếu AI nhận thấy có sự mâu thuẫn giữa các câu hoặc nội dung trong bài, nó sẽ sử dụng các thuật toán trung lập để xác định câu nào cần xóa và câu nào cần giữ, sau đó tự động xác định lại nội dung được cập nhật và viết lại dựa trên thông tin mới bổ sung.
Theo Engadget, hệ thống này cũng có thể được dùng để bổ sung các bộ dữ liệu nhằm đào tạo các máy kiểm tra tin tức giả (fake news), làm giảm bớt sự ngộ nhận và cải thiện độ chính xác của thông tin. Tuy công nghệ vẫn chưa sẵn sàng làm việc thay thế con người hoàn toàn, nhưng độ chính xác của AI đã được đánh giá 4/5 trong các lần tham gia cập nhật nội dung thực tế và 3,85/5 về văn phạm ngữ pháp. Nếu các nhà nghiên cứu tinh chỉnh AI tốt hơn, nó có thể tham gia thực hiện các điều chỉnh nhỏ trên Wikipedia khi mà kho bách khoa toàn thư này đang dần vượt khỏi khả năng rà soát của con người.