Theo báo cáo Kinh tế điện tử Đông Nam Á (e-Conomy SEA) năm 2023, Việt Nam có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất khu vực với tốc độ lên tới 20%, tiềm năng trở thành thị trường công nghệ số lớn thứ nhì ở Đông Nam Á tới năm 2030 sau Indonesia.
"Tiềm năng kinh tế số của Việt Nam không chỉ ẩn giấu trong cơ cấu nhân khẩu học hơn 100 triệu dân, khoảng 70% trong số này ở độ tuổi lao động, mà còn từ sự gia tăng nhanh chóng lượng người dùng internet", đại diện ngân hàng HSBC Việt Nam đánh giá trong báo cáo tiềm năng kinh tế tại Đông Nam Á. Dữ liệu thống kê cho thấy hiện gần 80% dân số Việt sử dụng internet và tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh cao.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn bị đánh giá "đang thua kém" các nước trong khu vực khi mức độ ứng dụng công nghệ số trong một số lĩnh vực chậm lại. Các chuyên gia đánh giá những cản trở trên một phần bắt nguồn từ trình độ công nghệ của dân cư nói chung, cũng như một bộ phận những người đứng đầu cơ quan, tổ chức… còn chưa cao.
Xét về kỹ năng và nhân tài trong lĩnh vực số hóa, Việt Nam đang đi sau các nước khác, hạn chế cơ hội tận dụng lợi thế của số hóa. Khảo sát do HSBC công bố cho thấy Việt Nam đang thấp hơn nhiều quốc gia lân cận như Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan về vấn đề này. Nhưng điều đó cũng cho thấy tiềm năng phát triển công nghệ số còn rất nhiều ở các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt trong nông nghiệp và khu vực nông thôn, nơi tỷ lệ ứng dụng công nghệ số còn thấp.
Nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số nhưng đang "chậm chân" hơn những ngành khác. Các vấn đề hiện nay như mức độ cơ giới hóa thấp, ít công nghệ hỗ trợ phát triển, hoạt động sản xuất vẫn chủ yếu dựa theo kinh nghiệm, thiếu sự nghiên cứu, đầu tư công nghệ cho chuyển đổi số từ các doanh nghiệp… Lĩnh vực cũng ghi nhận rõ nét nhất thực trạng nguồn nhân lực chuyên môn cao còn hạn chế, nhận thức sử dụng công nghệ, nền tảng số chưa cao.
Ông Nguyễn Ái Hữu, nhà sáng lập kiêm CEO Xelex và Worldsoft đánh giá chuyển đổi số sẽ mở ra nhiều cánh cửa mới cho nông nghiệp Việt, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do biến đổi khí hậu. "Tiếp cận công nghệ, phương thức canh tác hiệu quả thì năng suất lao động cũng tăng cao, giảm sức lao động, chi phí sản xuất…, mang giá trị lớn cho người nông dân", ông Nguyễn Ái Hữu nói.
Theo một báo cáo đến cuối 2021, Việt Nam có hơn 27.000 hợp tác xã nông nghiệp nhưng chỉ khoảng 2.000 trong số này ứng dụng công nghệ số để sản xuất. Như vậy, chỉ tính riêng lĩnh vực này đã có thị trường vô cùng tiềm năng cho các hãng công nghệ.
Ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng số hóa trong nông nghiệp Việt Nam đạt 2,1%, thấp so với thế giới. Nhưng đây được xem là tin vui vì có nhiều dư địa, nhiều cơ hội để làm, để thay đổi. Đồng thời, cũng là lo lắng vì mục tiêu Chỉnh phủ đặt ra là đến năm 2025, ngành nông nghiệp phải đạt tỷ trọng kinh tế số là 10%.
Ngoài nông nghiệp, thương mại cũng là một ngành còn nhiều dư địa để phát triển, ứng dụng công nghệ số. Hiện nay, lĩnh vực này vẫn sử dụng nhiều loại giấy tờ, gây gia tăng chi phí, chậm trễ trong thời gian giao dịch, hình thành "tắc nghẽn trong dòng chảy thương mại", báo cáo của HSBC phân tích.
Điều đáng khích lệ là Chính phủ đang đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy chuyển đổi số cả nền kinh tế. Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, 4 năm chuyển đổi số đã qua cho Việt Nam nhiều bài học quý, và năm 2024 sẽ tập trung phát triển kinh tế số. Phát biểu tại một sự kiện gần đây ở Hà Nội, Bộ trưởng cho biết Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược, động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
"Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ là 2 chuyển đổi quan trọng bậc nhất của nửa đầu thế kỷ 21. Hai chuyển đổi này sẽ căn bản thay đổi cuộc sống của tất cả chúng ta", Bộ trưởng nhấn mạnh xu hướng cần phải đi đầu để tận