TSMC cân nhắc đáp ứng yêu cầu của Mỹ về tiết lộ chuỗi cung ứng

Tạp chí Nhịp sống số - Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) đang tìm cách để vừa đáp ứng yêu cầu của Mỹ về việc tiết lộ thông tin chuỗi cung ứng của mình, vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến thông tin nhạy cảm của khách hàng.

Theo Nikkei, phát biểu của hãng sản xuất chất bán dẫn Đài Loan là phản ứng mới nhất trước chính quyền Washington về yêu cầu các nhà cung cấp chip và nhà sản xuất thiết bị điện tử chia sẻ thông tin về chuỗi cung ứng để giải quyết tình trạng thiếu chip chưa từng thấy trên toàn cầu. Động thái này làm dấy lên lo ngại đối với những công ty lớn như TSMC, vì cho rằng thông tin như vậy cấu thành bí mật thương mại rất nhạy cảm.

“Chúng tôi chắc chắn sẽ không làm rò rỉ thông tin nhạy cảm của công ty, đặc biệt là những thông tin liên quan đến khách hàng. Chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn thực hiện một số nghiên cứu sơ bộ và đánh giá nội dung bảng câu hỏi do chính phủ Mỹ gửi”, cố vấn chung của TSMC Sylvia Fang nói với các phóng viên.

Bà Fang nói thêm TSMC tin có nhiều cách để giải quyết đề nghị từ phía Mỹ mà không ảnh hưởng đến thông tin bí mật của khách hàng. Chính phủ Mỹ “cũng nhận ra rất nhiều công ty có thắc mắc, nên họ đang chuẩn bị một bảng câu hỏi thường gặp và chúng tôi cũng đang chờ điều đó”.

Theo Nikkei, chính quyền Washington đã cho phép các nhà sản xuất chip và nhà sản xuất thiết bị điện tử toàn cầu tự nguyện gửi thông tin về hàng tồn kho, năng lực sản xuất và khách hàng chính của họ đối với các sản phẩm cụ thể. Bảng câu hỏi được đăng trên Federal Register, một trang web của chính phủ Mỹ, bao gồm ít nhất 13 câu hỏi dành cho các nhà sản xuất chất bán dẫn, nhà phát triển chip và các nhà cung cấp dịch vụ đóng gói và thử nghiệm.

Ngoài phần câu hỏi chính, họ còn được yêu cầu liệt kê “ba khách hàng hiện tại hàng đầu của mỗi sản phẩm và tỷ lệ ước tính doanh số bán hàng của sản phẩm đó”. Phía Mỹ còn muốn biết về những sản phẩm “có lượng đơn đặt hàng tồn đọng lớn nhất” và số lượng bán các sản phẩm này. Thời gian tự nguyện điền vào bảng câu hỏi là trong vòng 45 ngày.

Sau cuộc họp mới nhất với các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp chip, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo hôm 23/9 cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét sử dụng luật an ninh quốc gia thời Chiến tranh Lạnh để buộc các công ty trong chuỗi cung ứng chip cung cấp dữ liệu quan trọng, nếu họ không phản hồi.

“Những gì tôi nói với họ là, tôi không muốn phải làm bất cứ điều gì bắt buộc nhưng nếu họ không tuân thủ, thì cũng không còn lựa chọn nào khác cho tôi”, bà Gina Raimondo nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.

Yêu cầu của Mỹ đã gây ra mối quan tâm lớn trong ngành bán dẫn và cả công chúng về việc bảo vệ bí mật thương mại, khả năng cạnh tranh kinh doanh, cũng như tác động đến lòng tin của khách hàng. Các nhà đầu tư địa phương của TSMC thậm chí đã đệ đơn lên Tòa án quận Tân Trúc Đài Loan yêu cầu hãng này không được phép gửi các bí mật thương mại quan trọng cho Mỹ. TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, cung cấp cho gần như tất cả các nhà phát triển chip chủ chốt trên thế giới bao gồm Apple, Qualcomm, Broadcom, Intel, Sony và Nvidia.

Ông Kung Ming-hsin, lãnh đạo Hội đồng Phát triển Đài Loan kiêm Giám đốc hội đồng quản trị TSMC, nói yêu cầu của Mỹ không chỉ nhằm vào TSMC, hoặc thậm chí chỉ các nhà cung cấp Đài Loan, mà còn nhằm vào tất cả các công ty liên quan đến chuỗi cung ứng chip. Ông Kung đề nghị bảng câu hỏi của chính phủ Mỹ cần có chỗ cho các câu hỏi không ảnh hưởng đến thông tin bí mật của khách hàng.

Có thể bạn quan tâm

Xuất sắc vượt qua hơn 300 đề cử, Phần mềm ngân hàng lõi kỹ thuật số FINC (Digital Core Banking FINC) của TechPlus đã được hội đồng chuyên môn đánh giá cao và trở thành 01 trong số 14 đơn vị xuất sắc vinh dự được vinh danh tại lĩnh vực “Ngân hàng số” của Sao Khuê 2024.