![Tạp chí Nhịp sống số](https://nss.vn/nss-media//logo/nss.vn.png?v=1.1)
Cụ thể, theo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị camera giám sát sử dụng giao thức Internet - Các yêu cầu an toàn thông tin cơ bản” (QCVN 135: 2024/BTTTT) do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, từ ngày 15/2/2025, các thiết bị camera giám sát sử dụng giao thức Internet khi được cung cấp ra thị trường sẽ phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu cơ bản về an toàn thông tin.
![](https://s-aicmscdn.nss.vn/thumb/w_1000/nss-media/25/2/7/2025--camera-giam-sat-ra-thi-truong-phai-theo-quy-chuan-moi_67a5acc073d36.jpg)
(Ảnh minh họa)
Quy chuẩn này áp dụng với tất cả các loại hình camera giám sát sử dụng giao thức Internet - IP Camera được nhập khẩu, sản xuất, phân phối, sử dụng tại Việt Nam. Quy chuẩn QCVN 135: 2024/BTTTT được áp dụng trong thử nghiệm, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy. Kể từ ngày 1/1/2026, thiết bị IP Camera nhập khẩu và sản xuất trong nước sẽ phải đáp ứng các quy định tại QCVN 135: 2024/BTTTT.
Bên cạnh các quy định chung, nhằm phụ cụ công tác quản lý và tăng cường bảo đảm an toàn cho hệ thống IP Camera, Quy chuẩn QCVN 135: 2024/BTTTT còn quy định cụ thể 11 nhóm yêu cầu kỹ thuật, bao gồm: khởi tạo mật khẩu duy nhất; quản lý lỗ hổng bảo mật; quản lý cập nhật; lưu trữ các tham số an toàn nhạy cảm; quản lý kênh giao tiếp an toàn; phòng chống tấn công thông qua các giao diện của thiết bị; bảo vệ dữ liệu người sử dụng; khả năng tự khôi phục lại hoạt động bình thường sau sự cố; xóa dữ liệu trên thiết bị camera; bảo vệ dữ liệu trên thiết bị camera...
Theo số liệu từ Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), năm 2024, đã phát hiện hơn 800.000 camera giám sát của Việt Nam đang bị chia sẻ dữ liệu hình ảnh công khai trên mạng Internet. Trong số đó có 360.000 camera (chiếm 45%) có nguy cơ, điểm yếu, lỗ hổng dễ bị khai thác tấn công, chiếm quyền điều khiển.