Sáng 24/6, Tập đoàn Vingroup (VIC) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.
Kế hoạch doanh thu 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng.
Kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,5%, tương ứng tổng số cổ phần phát hành dự kiến 422,8 triệu đơn vị. Sau phát hành, Vingroup sẽ tăng vốn điều lệ lên 38.052 tỷ đồng.
Phương án phát hành ESOP tối đa 0,2% vốn điều lệ Vingroup, thời gian thực hiện không muộn hơn tháng 6/2022.
Thế "kiềng ba chân" vững chãi
Ba trụ cột chính của Tập đoàn là Công nghệ - Công nghiệp – Thương mại Dịch vụ tiếp tục được đẩy mạnh, tạo thế "kiềng ba chân" vững chãi.
Mảng Công nghệ - Công nghiệp dự kiến cho ra mắt 5 mẫu xe điện và 3 mẫu xe ô tô thông minh VF e35, VF35, VF36.
Mảng thiết bị thông minh, VinSmart sẽ tập trung phát triển các sản phẩm IoT và tính năng Infotainment cho ô tô VinFast và hệ sinh thái thông minh gồm ba mũi nhọn: thành phố thông minh, nhà thông minh và dịch vụ thông minh.
Trong lĩnh vực Bất động sản nhà ở, Vinhomes tiếp tục triển khai và bàn giao các dự án đại đô thị, đẩy mạnh triển khai mô hình bán hàng đa kênh kết hợp giữa trực tuyến và truyền thống, đồng thời ra mắt hoạt động kinh doanh thứ cấp, hỗ trợ người mua nhà.
Lĩnh vực bất động sản bán lẻ, Vincom Retail tiếp tục cung cấp ra thị trường gần 100 nghìn m2 diện tích sàn bán lẻ, nâng tổng diện tích mặt sàn bán lẻ trên toàn hệ thống lên 1,8 triệu m2.
Lĩnh vực du lịch – vui chơi giải trí, Vinpearl duy trì phát triển thị trường nội địa với mũi nhọn là kênh bán hàng trực tuyến và kênh doanh nghiệp. Đồng thời, công ty phát triển, mở rộng các thị trường trọng điểm nước ngoài thông qua việc triển khai hoạt động marketing, truyền thông mạnh mẽ để chuẩn bị đón đầu cơ hội ngay khi mở lại các đường bay quốc tế.
Về nguồn vốn và đầu tư, Vingroup triển khai nhiều hình thức huy động vốn trong và ngoài nước thông qua nhiều công cụ tài chính, kiểm soát hiệu quả việc đầu tư mở mới và tối ưu hoá hiệu suất sử dụng nguồn vốn để phục vụ chiến lược kinh doanh ngắn, trung và dài hạn của Tập đoàn.
Xe điện là thứ để Việt Nam "thay đổi tầm vóc"
"Xe điện là thứ không dễ dàng nhưng là thứ để Việt Nam thay đổi tầm vóc của mình", ông Phạm Nhật Vượng nói trong phần thảo luận.
Lý giải về tự tin này, ông Vượng cho biết: "Đối tượng VinFast nhắm đến là chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Nếu tôi nói con số chúng tôi dự định bán tại các thị trường nước ngoài có lẽ các anh còn thấy lo lắng hơn. Ví dụ tại Mỹ, năm 2026 chúng tôi kế hoạch bán hàng trăm nghìn xe. Nếu không vì thiếu chip, tới đây chúng tôi cũng kế hoạch bán 56 nghìn xe, nhưng hiện đã phải điều chỉnh xuống 15 nghìn xe. Chúng tôi cạnh tranh với xe xăng chứ không cạnh tranh với xe điện. Pin được chuyển từ người mua sở hữu sang VinFast sở hữu và làm dịch vụ cho thuê này. Chúng tôi triển khai theo concept cho thuê pin, tính tiền thuê pin cộng tiền nạp điện đúng bằng chi phí khách hàng trả cho xăng. Xe chạy đến đâu tính tiền đến đó.
Vậy lợi thế của concept này là gì?
Thứ nhất, xe điện rẻ hơn. Chi phí vận hành rẻ hơn, chi phí sửa chữa bảo dưỡng bảo trì tối đa bằng 35% so với xe xăng. Thứ hai, tính năng thông minh hơn rất nhiều. Do đó, chuyện cạnh tranh với xe xăng là rất khả thi.
Tuy nhiên nhược điểm của xe điện là quãng đường chạy không quá dài. Chúng tôi khắc phục nó bằng công nghệ sạc siêu nhanh, trong 20 phút sạc từ 70 – 80% pin, chạy thêm được khoảng 400 km. Mọi chi phí từ pin đến bảo dưỡng đều cho VinSmart chịu trách nhiệm. Model kinh doanh của VinSmart đã được tính toán tương đối ổn.
Nếu cạnh tranh trực tiếp với xe xăng thì câu chuyện số lượng vô cùng đơn giản. Ở Mỹ tổng số xe điện trên tổng số ô tô chỉ chiếm 2%. Một năm Mỹ bán từ 16 – 18 triệu xe, nếu chỉ cần chiếm được 1% thị phần chúng tôi đã có 160 – 180 nghìn xe.
Xe của chúng tôi áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất (NCAP 5 sao). Tính năng tự lái thông minh của chúng tôi hàng đầu thế giới, tất cả những gì Tesla có chúng tôi có. Sắp tới chúng tôi sẽ ra mắt tính năng tự lái cấp độ 3, tính năng cao nhất.
Việc thiếu chip là vấn đề lớn toàn cầu. Chúng tôi sẽ phải cạnh tranh cùng với đó là điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh.
Về bất động sản khu công nghiệp?
Chúng tôi có kế hoạch triển khai nhiều nơi, hiện đang làm thủ tục nên chưa thể nói lúc nào triển khai cái gì. Hiện tại có nhiều dự án khu công nghiệp được phê duyệt, điều này cũng giống thị trường bất động sản, nhiều dự án được phê duyệt nhưng vẫn thiếu hàng.
Chúng tôi cạnh tranh bằng việc làm sản phẩm đến kết quả cuối cùng.
Dự án Vinbiocare?
Ông Phạm Nhật Vượng: Vinbiocare định hướng phát triển các sản phẩm công nghệ sinh học chứ không chỉ riêng vắc xin. Công ty này sẽ sản suất thực phẩm chức năng, thuốc chữa… từng bước làm thận trọng, chắc chắn.
Hiện tại đất nước đang cần, chúng tôi làm vắc xin. Nhưng dự án đó là phi lợi nhuận, tất cả chi phí chúng tôi sẽ cố gắng thu về, cần thiết sẽ tài trợ, thậm chí chấp nhận rủi ro ban đầu là thử nghiệm vắc xin với các dự án chưa chắc đã thành công, đồng hành cùng dự án đó. Vì đơn giản nếu đợi đến khi thành công thì chưa chắc chúng ta đã mua được vắc xin chứ đừng nói là chuyển giao công nghệ.
Có kế hoạch đầu tư vào Vũng Tàu không, vị trí tại khu vực phía Nam tương tự Quảng Ninh, Hải Phòng phía Bắc?
Vũng Tàu chúng tôi chưa có kế hoạch vì đang triển khai một dự án rất lớn tại Cần Giờ. Về vị trí, Cần Giờ chỉ cách Vũng Tàu hai phút chim bay. Trước mắt chúng tôi triển khai xong dự án này.
Nhận định về thiếu hụt nguồn cung bất động sản?
Nguồn cung bất động sản trong ngắn hạn khan hiếm, nhưng đến lúc nào thì chúng tôi không dự báo được, vì điều này phụ thuộc vào tốc độ cấp phép của cơ quan nhà nước. Nhưng dù đến lúc nào, vấn đền là làm đến sản phẩm cuối cùng được thị trường chấp nhận. Thực tế khi nguồn cung nhiều, sản phẩm của Vinhomes vẫn bán được ổn định.
Chúng tôi nghiên cứu làm sao tạo hệ sinh thái ăn ở, tiêu dùng cho người dân Vinhomes tốt nhất, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh tuyệt đối. Rõ ràng giá nhà Vinhomes cao hơn các khu dân cư bên cạnh, nhưng vì sao khách hàng vẫn chọn Vinhomes?