Ứng dụng công nghệ AI vào chẩn đoán bệnh liên quan đến tiểu đường

Ứng dụng công nghệ AI vào chẩn đoán bệnh liên quan đến tiểu đường
Tạp chí Nhịp sống số - Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào y tế, một nhóm các nhà nghiên cứu do Đại học RMIT chủ trì đã phát triển thuật toán xử lý hình ảnh có thể tự động phát hiện triệu chứng của biến chứng về mắt do bệnh tiểu đường (đái tháo đường).

Các nhà nghiên cứu tại Phòng thực nghiệm Dấu hiệu sinh học thuộc Khoa Kỹ thuật (Đại học RMIT), cùng các cộng tác viên tại Brazil, đã dùng deep learning (một phương pháp của học máy) và AI để tự động hóa các phân tích hình ảnh đáy mắt.

Cụ thể, họ đã ứng dụng AI để hỗ trợ chuẩn đoán tức thì biến chứng mắt do bệnh tiểu đường (một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa) ở giai đoạn sớm nhất. Theo các chuyên gia, đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mất thị lực ở người lớn và bệnh này đang mở rộng tầm ảnh hưởng lên toàn thế giới với dự đoán đến năm 2030 sẽ có 191 triệu người mắc bệnh. Đáng nói là, bệnh không có triệu chứng ban đầu, và ngay ở thời điểm người bệnh bắt đầu mất thị lực thì bệnh có thể đã tiến triển. Việc chuẩn đoán và chữa trị sớm có thể mang đến hiệu quả khác biệt rất lớn trong việc bao nhiêu phần thị lực người bệnh có thể giữ lại.

Theo Giáo sư Dinesh Kant Kumar (ĐH RMIT) - Chủ nhiệm đề tài, thuật toán xử lý hình ảnh do nhóm nghiên cứu phát triển có thể tự động phát hiện một trong những dấu hiệu quan trọng của bệnh là dịch tiết từ các mạch máu bị tổn hại hay tiết dịch trong võng mạc. Với tỉ lệ chính xác lên tới 98%, đây là phương pháp có thể tiến hành tức thời và hiệu quả về mặt chi phí.

Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng phương pháp của họ dần dà có thể dùng để sàng lọc trên diện rộng nhóm dân số có nguy cơ mắc bệnh.

Giáo sư Kumar cho biết:"Chúng tôi biết rằng chỉ một nửa số bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường thường xuyên kiểm tra mắt, và có một phần ba không bao giờ kiểm tra. Nhưng các phương pháp "tiêu chuẩn vàng" trong chuẩn đoán bệnh võng mạc đái tháo đường thì theo hình thức xâm lấn và đắt đỏ, và thường không sẵn có tại những vùng hẻo lánh hay đang phát triển trên thế giới. Phương thức tiếp cận dùng AI của chúng tôi cho kết quả chính xác như cách quét lâm sàng nhưng lại dựa vào hình ảnh võng mạc có thể thực hiện bằng các thiết bị nhãn khoa thông thường. Phương pháp giúp chuẩn đoán chứng bệnh nan y này nhanh và rẻ hơn có thể thay đổi cuộc đời của hàng triệu người hiện không được chuẩn đoán và có nguy cơ bị mất thị lực”.

Thông thường, chụp mạch máu võng mạc và chụp cắt lớp quang học OCT đang là những phương pháp lâm sàng chính xác nhất để chuẩn đoán bệnh võng mạc đái tháo đường. Một phương thức khác rẻ hơn là phân tích hình ảnh võng mạc có thể thực hiện bằng trang thiết bị tương đối không đắt tiền có tên gọi là máy chụp ảnh đáy mắt, nhưng quy trình thực hiện thủ công, mất thời gian và không đáng tin cậy.

Theo nhóm nghiên cứu, họ đang thương thảo với nhà sản xuất máy quét đáy mắt về tiềm năng hợp tác để nâng cấp công nghệ này.

[Nguồn: RMIT Việt Nam]

Có thể bạn quan tâm

Theo Bộ TT- TT, quảng cáo trên môi trường mạng ngày càng khẳng định vị thế quan trọng với hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp. Do đó cần mở rộng hơn nữa danh sách trắng để doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến.