Ưu tiên ứng dụng công nghệ để phát triển nguồn năng lượng bền vững

Ưu tiên ứng dụng công nghệ để phát triển nguồn năng lượng bền vững
Tạp chí Nhịp sống số - Ngoài các biện pháp cấp bách để đảm bảo nguồn cung ứng năng lượng, cần ưu tiên ứng dụng công nghệ để lĩnh vực này phát triển bền vững. Đó là một trong những nhận định được các chuyên gia đặc biệt quan tâm tại Diễn đàn Cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020, diễn ra ngày 22/7 tại Hà Nội.

 năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, năng lượng bền vững, Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam,

Cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng tái tạo

Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020 là sự kiện do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, nhằm triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11-2-2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phát biểu tại Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, Nghị quyết số 55 tạo bước đột phá về phát triển ngành năng lượng quốc gia, dành ưu tiên cao hơn cho việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và năng lượng sạch.

Để làm được điều này, cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, trước hết là năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng sinh học; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn…

Theo định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để chuyển giao hiệu quả sang định giá theo thị trường, nhiều tổ chức quốc tế khuyến nghị Việt Nam cần phải xây dựng một kế hoạch cải tổ giá toàn diện và giảm thiểu tác động của Nhà nước lên định giá năng lượng.

 năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, năng lượng bền vững, Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam,

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là hoàn thiện thể chế để tạo lập môi trường thuận lợi cho phát triển điện năng và kiểm soát sự phát triển đúng hướng, hiệu quả bên vững. Thông qua diễn đàn này, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về năng lượng quốc gia sẽ được quán triệt; cơ quan Đảng và Quốc hội, các bộ ngành của Việt Nam cũng như các cơ quan, các tổ chức đối tác quốc tế cùng trao đổi để triển khai thực hiện giải pháp nhằm thực hiện đồng bộ thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết 55 đề ra.

Theo Phó Thủ tướng, tại Việt Nam, để huy động nguồn lực từ nay đến năm 2025, Việt Nam phải tăng thêm khoảng 50.000MW công suất điện nguồn, chưa kể nguồn vốn để đầu tư cho mạng lưới chuyển tải điện, tương đương khoảng 7-10 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những khó khăn, vướng mắc về chính sách, các quy định liên quan đến công tác đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Trong thời gian tới, cần phải rà soát, sửa đổi một số luật như Luật Điện lực, Luật Dầu khí… để hạn chế sự chồng chéo giữa các luật. Đồng thời xây dựng Luật Năng lượng tái tạo, cơ chế đặc thù trong đầu tư phát triển năng lượng cũng như cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, cần xây dựng chiến lược nhập khẩu năng lượng dài hạn.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng

Theo các chuyên gia năng lượng, Nghị quyết 55 nhận được nhiều đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, coi đây là một cơ hội lớn để Việt Nam thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững, cũng như tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện chuyển đổi số cho ngành năng lượng, trong đó có ngành điện. Trên thế giới, các công ty điện lực cũng đang tìm cách cải thiện chất lượng và hiệu quả bằng cách triển khai các trung tâm dữ liệu và tái cấu trúc các nền tảng quản lý. Các công ty điện lực muốn cung cấp năng lượng xanh, hiệu quả và đáng tin cậy hơn, đồng thời vẫn đảm bảo an ninh lưới điện và cung cấp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng thông qua Internet năng lượng để thúc đẩy phát triển xã hội.

Đáng nói là, các mô hình hoạt động và công nghệ thông thường không hỗ trợ sự chuyển đổi này. Do đó, ngành điện lực toàn cầu cần xem xét làm thế nào để thích ứng với các xu hướng mới; làm thế nào mạng lưới có thể phát hiện các vấn đề bảo mật trong thời gian thực và phản hồi nhanh chóng; Làm thế nào chúng ta có thể sử dụng năng lượng sạch tốt hơn và giảm lượng khí thải carbon? Làm thế nào các mạng năng lượng có thể phù hợp với hệ thống điểm sạc đang mở rộng nhanh chóng và đạt được sự quản lý hiệu quả? Bên cạnh đó, là những thách thức không nhỏ như biến đổi khí hậu và mới đây nhất là đại dịch Covid-19...


Ông Sun Bohan  - CEO, Công ty Công nghệ Huawei Việt Nam

Trong bối cảnh đó, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, các công nghệ kỹ thuật số vốn rất cần thiết cho an ninh năng lượng, có thể cải thiện khả năng phục hồi, an ninh, độ tin cậy và sự ổn định của các hệ thống năng lượng.

Nhận định về vấn đề này, ông Sun Bohan  - CEO, Công ty Công nghệ Huawei Việt Nam - cho rằng, việc đẩy mạnh chuyển đổi số có thể giúp ngành điện nói riêng cũng như lĩnh vực Năng lượng nói chung đối phó tốt hơn với các thách thức, đồng thời nắm bắt các cơ hội trong tương lai. Ông cho biết, đến nay Huawei đã làm việc với hơn 190 công ty điện lực trên toàn thế giới, trong đó có 10 công ty hàng đầu trong ngành, để thực hiện chuyển đổi số. Các giải pháp của Huawei được sử dụng rộng rãi bởi các công ty điện lực như Công ty Điện lực Saudi, Cơ quan Điện và Nước Dubai, Tổng công ty Truyền tải điện Thổ Nhĩ Kỳ, Cơ quan Điện lực tỉnh của Thái Lan, Tập đoàn Điện lực Trung Quốc (SGCC) và Công ty Điện lực Phương Nam (China Southern Power Grid - CSG).

Huawei tích hợp liên tục các công nghệ 5G, IoT, quang điện, IP, đám mây, dữ liệu lớn vào các hệ thống điện. Cùng với các đối tác, Huawei đã đưa ra các giải pháp dịch vụ thông minh, như kiểm tra và phân phối lưới điện, bao gồm phát điện, truyền tải, chuyển đổi, phân phối và tiêu thụ điện. Các công nghệ này hỗ trợ cảm biến toàn diện, liên kết nối và trí thông minh dịch vụ của các thiết bị đầu cuối điện lực khác nhau.

"Tôi cho rằng, bằng cách sử dụng các giải pháp ICT như 5G, IoT, Cloud, các công ty năng lượng có thể cải thiện đáng kể hiệu quả và tận dụng dữ liệu lớn để lên kế hoạch, triển khai và quản lý tài nguyên tốt hơn. Nhưng điều quan trọng nhất là các nền tảng và công nghệ kỹ thuật số cho phép ngành công nghiệp năng lượng mở ra các mô hình kinh doanh mới với dữ liệu được chuẩn hóa và tích hợp với hệ sinh thái bên trong và bên ngoài đối tác. Các hệ thống này sẽ không chỉ cung cấp năng lượng cho lưới điện thông minh trong tương lai, mà chúng còn mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp năng lượng tạo ra sự thay đổi cơ bản trong cách kinh doanh", ông Sun Bohan nói.

Có thể bạn quan tâm