Tờ Financial Times ngày 18/3 đưa tin
Theo Reuters, EC yêu cầu 3 tập đoàn Mỹ sửa đổi các điều khoản sử dụng dịch vụ sao cho phù hợp với luật bảo vệ người tiêu dùng ở châu Âu và đặc biệt là phải tạo một địa chỉ liên lạc dành riêng để các cơ quan hữu trách có thể cảnh báo về thông tin giả mạo.
“Hiện giới hữu quan nhiều nơi gặp khó khăn trong việc liên lạc với các tập đoàn Mỹ để cảnh báo về những thông tin sai lệch”, một quan chức EC cho biết. Ngoài ra, theo nội dung tối hậu thư, các tập đoàn truyền thông xã hội phải có trách nhiệm hồi âm đối với cảnh báo từ nhà chức trách trong vòng 1 ngày và có 3 ngày để gỡ bỏ tin tức độc hại, giả mạo.
EC cũng yêu cầu Facebook, Google và Twitter truy quét những chương trình quảng cáo, tiếp thị mang tính lừa đảo đồng thời có biện pháp mạnh tay đối với chiêu thức dụ khách hàng đăng ký dùng thử miễn phí mà không thông báo rõ về chi phí phải trả trong tương lai. “Các công ty truyền thông xã hội cần phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc xử lý các vụ gian lận và tin vịt xảy ra trên trang mạng của họ”, Reuters dẫn lời Ủy viên EC Vera Jourova nhấn mạnh.
Giới quản lý Google và Facebook cho biết đang hợp tác và tiến hành đối thoại mang tính xây dựng với EU về những vấn đề trên, còn Twitter từ chối bình luận.
Thời gian gần đây, các mạng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới hứng chịu nhiều chỉ trích vì không có biện pháp ngăn chặn hoặc xử lý hiệu quả thông tin bịa đặt, quảng cáo lừa đảo hoặc bài viết mang nội dung kích động, thù hằn. Nhiều nước trên thế giới đã có những động thái tăng cường quản lý hoạt động của truyền thông xã hội. Theo Reuters, chính phủ Đức đầu tuần này đã công bố dự thảo luật áp dụng mức phạt tới 50 triệu euro đối với các mạng xã hội không gỡ bỏ hoặc chặn truy cập những phát ngôn thù địch hoặc tin tức giả mạo trong vòng 24 giờ.
Tại Pháp, nhằm ngăn chặn “tin vịt” phát tán trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 4, gần 40 cơ quan thông tấn báo chí nước này lẫn quốc tế đã tham gia chương trình CrossCheck. Đây là diễn đàn hợp tác trực tuyến giúp các đối tác truyền thông kiểm tra, đối chiếu và phản bác thông tin méo mó trên mạng.
Chính phủ Indonesia thì thành lập hẳn cơ quan chuyên xử lý thông tin bịa đặt, trực thuộc Bộ An ninh và cũng có chức năng giám sát tin tức trên mạng. Theo giới chức Bộ An ninh, việc thành lập cơ quan trên rất quan trọng trong bối cảnh “tin vịt” lan truyền đầy rẫy, bóp méo sự thật, kích động thù hằn và gây bất ổn.
Bên cạnh đó, kể từ tháng trước, Cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc đã bắt đầu theo dõi các luồng thông tin không có thật trên mạng và triển khai tổng cộng 40 vụ điều tra, theo Yonhap.