Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) đã và đang len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống xã hội. Trong cuộc cách mạng này, việc làm chủ không gian mạng là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu, đóng vai trò quyết định đến việc ổn định chính trị, phát triển kinh tế. Trong những năm gần đây, tình hình mất ATTT tại Việt Nam hết sức phức tạp, nhiều cuộc tấn công có chủ đích sử dụng các kỹ thuật hiện đại nhắm vào các cơ quan, ban ngành quan trọng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các tập đoàn kinh tế lớn, hạ tầng trọng yếu quốc gia. Việc đối phó với các cuộc tấn công quy mô lớn, kỹ thuật tinh vi gặp nhiều khó khăn khi các giải pháp kỹ thuật cũ gần như đã bị qua mặt, trong khi đó các sản phẩm mới trên thế giới lại chưa phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.
Trước thực trạng đó, cán bộ nhân viên VCS đã xác định làm chủ công nghệ, tự lực, tự cường xây dựng hệ sinh thái sản phẩm phục vụ quá trình giám sát ATTT, phát hiện sớm các bất thường, các cuộc tấn công nhắm vào các hệ thống quan trọng tại Việt Nam. Sản phẩm sử dụng các công nghệ mới nhất trên thế giới, có các tính năng tương đương (thậm chí vượt trội hơn) các sản phẩm trên thị trường hiện nay.
Giải pháp VCS-CyM có nhiều ưu điểm nổi trội mang tính đột phá, sáng tạo. Với đội ngũ vận hành, giám sát ATTT nhiều kinh nghiệm, VCS-CyM được tích hợp những công nghệ phát hiện bất thường mới nhất, sớm nhất. Sản phẩm có độ hoàn thiện cao, các thao tác cấu hình có thể thực hiện được hết trên giao diện quản trị, mang lại trải nghiệm rất tốt cho người dùng, thuận tiện khi triển khai, vận hành. Bên cạnh đó, giải pháp được thiết kế module hóa theo chức năng, nhờ đó các thành phần có thể thêm/bớt tùy ý theo quy mô hệ thống, dễ dàng triển khai trên mọi loại hạ tầng.
Là giải pháp an toàn thông tin tiên tiến, VCS-CyM có quy trình hoạt động khép kín cùng với thành phần lưu trữ thông tin cấu hình, các thành phần khác khi chạy phải kiểm tra toàn vẹn thông tin mới thực hiện nghiệp vụ. Do đó không thể tự chỉnh sửa các thông tin, tối đa hóa tính toàn vẹn, đảm bảo an toàn, an nịnh mạng cho đơn vị xử dụng. Phần mềm được xây dựng và phát triển 100% bởi các kỹ sư người Việt Nam dựa theo nhu cầu của các hệ thống thông tin tại Việt Nam, các công nghệ hoàn toàn do Viettel làm chủ; hoàn toàn đáp ứng được tiêu chuẩn triển khai tại Bộ Quốc Phòng.
VCS-CyM hướng tới khách hàng doanh nghiệp, cơ quan ban ngành để giám sát các hệ thống quan trọng của doanh nghiệp, hạ tầng trọng yếu quốc gia qua đó phát hiện sớm các cuộc tấn công mạng, các cuộc tấn công có chủ đích. Đối tượng người dùng chính của sản phẩm là nhân viên ATTT, nhân viên giám sát An ninh thông tin & những người phụ trách về ATTT của hệ thống.
Với những giải pháp ATTT mang tính bứt phá trong công nghệ, VCS một lần nữa khẳng định vị thế là đối tác số 1 Việt Nam về đảm bảo ATTT, bảo vệ tài sản dữ liệu, trí tuệ cho các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng trọng yếu quốc gia.
Tại giải thưởng Sao Khuê 2020, Tập đoàn Viettel có tổng cộng 21 trên tổng số 112 giải thưởng được trao, với 2 giải thưởng thuộc Top 10 và cũng là đơn vị nhận được số lượng giải nhiều nhất. Đây cũng là năm Viettel có số lượng giải cao nhất trong lịch sử trao giải Sao Khuê, gần gấp đôi năm 2019. Riêng Viettel Cyber Security – thành viên của Tập đoàn Viettel, đơn vị phát triển VCS-CyM, đạt 3 giải thưởng tại Sao Khuê 2020. Trong đó có một giải pháp đạt Top 10.
Giải thưởng Sao Khuê – giải thưởng chuyên môn uy tín của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam dành cho Hệ thống Hải quan một cửa quốc gia là sự khẳng định về đóng góp và tác động của hệ thống này môi trường kinh doanh Việt Nam dưới góc nhìn của các chuyên gia.
Hội đồng giám khảo của Giải thưởng Sao Khuê gồm sự tham gia của 37 chuyên gia công nghệ, kinh tế đầu ngành, dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng là TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông. Năm 2020, Hội đồng đã lựa chọn được 112 sản phẩm, giải pháp, dịch vụ để trao giải.
Chương trình Sao Khuê là hoạt động đánh giá chuyên môn tin cậy, uy tín nhất của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam. Chương trình bình chọn và công nhận các sản phẩm dịch vụ xuất sắc, uy tín hàng đầu của ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức hàng năm, bắt đầu từ năm 2003.
Các sản phẩm, dịch vụ được công nhận Danh hiệu Sao Khuê có chất lượng, hiệu quả vượt trội luôn được khách hàng tin tưởng, lựa chọn, tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Năm 2020, Chương trình Danh hiệu Sao Khuê 2020 tiếp tục sứ mệnh quảng bá, xây dựng thương hiệu cho ngành Phần mềm và Dịch vụ CNTT, góp phần định hướng thị trường, giúp người sử dụng lựa chọn các sản phẩm phần mềm, dịch vụ CNTT tốt nhất, đồng thời góp phần xây dựng sản phẩm phần mềm thương hiệu Việt Nam theo chiến lược Make in Vietnam do Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra.