Intel đã buông xuôi mảng kinh doanh modem 5G dành cho smartphone và giờ Apple lại muốn nhảy vào. Trong ngắn hạn, có thể bạn chưa thấy được tác động của điều này, nhưng trong tương lai, nó có thể là một quyết định có ý nghĩa quan trọng đối với các thế hệ iPhone mới của Apple, có thể là iPhone 16 hoặc 17, khi thỏa thuận của họ với Qualcomm hết hiệu lực.
Theo thông tin từ Wall Street Journal vào hôm 22.7, Apple đã tiến gần tới thỏa thuận mua lại mảng kinh doanh modem di động của Intel. Thỏa thuận này cho phép họ tiếp cận các dự án công nghệ liên quan tới kết nối 5G còn dang dở của Intel mà theo định giá có thể lên tới 1 tỉ USD, bao gồm các bằng sáng chế và nhân viên của Intel tham gia mảng này. Thực tế, hiện nay iPhone XS , XS Max và XR của Apple vẫn đang sử dụng modem 4G của Intel, trong khi các đời iPhone trước đó dùng các chip 4G của Qualcomm.
Apple đang dần mở rộng tầm kiểm soát phần cứng và phần mềm trong các thiết bị của họ, qua đó giúp họ kiểm soát tốt hơn các tính năng muốn đưa vào và chuỗi cung ứng, chủ động kiểm soát lịch phát hành sản phẩm mới. Việc mua công nghệ của Intel là mảnh ghép cần có cho bài toán mà họ đang thiếu kiểm soát: modem kết nối mạng di động. Qua đó, Apple cũng sẽ có các bằng sáng chế quan trọng về mạng không dây để bảo vệ họ trước các đối thủ viễn thông khác như Huawei hay Qualcomm - vốn chỉ chờ sơ hở của "nhà táo" để kiện tụng các vi phạm về sáng chế mạng di động.
Nhưng quan trọng nhất, việc mua lại công nghệ 5G của Intel có thể giúp Apple khởi động các nỗ lực phát triển và chế tạo ra các chip kết nối di động 5G mới siêu nhanh. Nhờ quá trình chạy đua với Qualcomm, hiện Intel vẫn nắm giữ nhiều sáng chế quan trọng có thể mang lại lợi ích cho Apple. Dù công nghệ của Intel sẽ không thể có mặt trên iPhone trong năm nay, nhưng nó giúp tăng tốc các nỗ lực phát triển riêng của Apple ở mảng di động.
Bên cạnh đó, do độc quyền nên chip của Qualcomm được chào bán cho Apple không hề rẻ, nên đây có thể là một thương vụ “lợi cả đôi đường”, cho phép họ kiểm soát sâu hơn chuỗi cung ứng và các thiết kế chip trong tương lai, như nhà phân tích Daniel Ives của Wedbush nhận định.
Nỗ lực làm chủ các loại chip của Apple
Trong thập kỷ qua, Apple đã dần tăng cường kiểm soát các thành phần của thiết bị. Họ thiết kế bộ xử lý trung tâm riêng với dòng chip A-series nổi tiếng trên iPhone và iPad, tích hợp chip đồ họa và gần đây còn là chip Bionic (tích hợp trí tuệ nhân tạo) trên tiến trình 7nm đầu tiên trên thế giới. Bên cạnh đó, còn có chip Bluetooth cho phép kết nối tai nghe Airpods với iPhone, chip bảo mật dữ liệu và sinh trắc học nhằm giúp chống lại các hành vi đánh cắp dữ liệu của hacker…
Cuối năm ngoái, Apple chi 600 triệu USD để mua lại một phần công ty bán dẫn Dialog Semiconductor, cho phép họ tiếp cận các chip quản lý năng lượng quan trọng để tối ưu quy trình sạc và năng lượng cho iPhone.
Theo CNET, Apple cũng đang nghiên cứu và tìm cách thay thế các vi xử lý của Intel đang dùng cho các máy tính Mac, dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng sau năm 2020. Nếu thành công, dòng máy tính Mac của họ sẽ dùng các vi xử lý độc quyền tương tự iPhone và iPad hiện nay.
Hiện có hai thành phần lõi mà Apple chưa kiểm soát được, đó là bộ nhớ và modem. Hiện Apple có thể mua chip nhớ từ nhiều nhà cung ứng, như Samsung hay Micron. Nhưng ở mảng modem lại là chuyện khác, đặc biệt là khi chuyển sang mạng 5G, hiện Qualcomm đang chiếm vị trí độc quyền sau khi Huawei bị cấm vận. Dĩ nhiên Apple không muốn phải phụ thuộc hoàn toàn vào một công ty cung ứng linh kiện quan trọng như vậy, dù họ đã và đang phải phụ thuộc. Trong quá khứ, các thế hệ iPhone đầu tiên dùng modem của Infineon (Đức), nhưng công ty này bị Intel mua lại vào năm 2011 buộc họ phải chuyển qua dùng chip 4G của Qualcomm và gần đây là Intel.
Thực tế, Apple cũng đã và đang âm thầm tự phát triển mẫu modem của riêng mình, nhưng họ vẫn còn thiếu kinh nghiệm nên chưa thể đưa vào sử dụng trước năm 2025. Do vậy, họ vẫn phải phụ thuộc vào Qualcomm. Theo thỏa thuận vừa đạt được hồi tháng 4 vừa qua, Apple đã đồng ý mua chip Qualcomm “trong nhiều năm”, nhưng họ chưa nói rõ hợp đồng này sẽ kéo dài bao lâu.
Trong khi đó, Qualcomm đang là nhà sản xuất chip di động lớn nhất thế giới và là lựa chọn chip 5G duy nhất cho các thiết bị di động phát hành ở Mỹ. Trên toàn cầu, Qualcomm chỉ có ba đối thủ lớn là MediaTek (Đài Loan), Huawei (Trung Quốc) và Samsung (Hàn Quốc), trong ba đối thủ này hiện chỉ có MediaTek là có thể cung ứng chip với số lượng lớn cho bên thứ ba nhưng lại ưu tiên thị trường Trung Quốc, còn Huawei và Samsung chủ yếu sản xuất để dùng riêng cho họ.
Cuộc đua 5G
5G được các bên tích cực tiếp thị là một công nghệ mang tính thay đổi cuộc chơi, với khả năng tăng tốc truy cập đáng kể và mở rộng vùng phủ sóng không dây. Theo các thử nghiệm gần đây, mạng di động mới này có thể truy xuất nhanh hơn từ 10 đến 100 lần so với mạng 4G hiện nay, mang lại viễn cảnh thay đổi tương lai ở nhiều khía cạnh.
Về cơ bản, các nhà sản xuất điện thoại Android lớn sẽ tích hợp 5G vào sản phẩm của họ trong năm nay, nhưng có lẽ Apple sẽ ra mắt iPhone hỗ trợ 5G chậm hơn một chút, có thể là năm sau. Họ phụ thuộc vào nhà cung ứng Qualcomm nhưng cả hai đã mất quá nhiều thời gian để tranh cãi ở tòa khiến việc phát triển của họ muộn hơn các đối thủ. Dù các nhà mạng vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và triển khai ở mức chưa hoàn chỉnh, nhưng nếu Apple trì hoãn 5G quá lâu có thể iPhone và iPad sẽ mất doanh số đáng kể.
Việc mua lại mảng kinh doanh modem của Intel không có nghĩa là Apple có thể tự làm chip 5G của riêng họ trong năm nay hoặc vài năm nữa. Bởi các chip modem rất phức tạp và liên tục được cập nhật để tận dụng tốc độ kết nối và các tính năng khác. Nhưng qua đó, Apple có thể tăng tốc lịch trình ra mắt iPhone dùng chip 5G riêng của họ, trước cả cột mốc 2025 như nhiều tin đồn trước đó dự đoán.
Bên cạnh đó, làm chủ modem di động sẽ giúp Apple tùy biến sâu và tối ưu 5G trong các thiết bị của mình, thậm chí có thể tạo ra một linh kiện hoàn toàn mới nhằm khai thác mạng di động này và thu nhỏ diện tích nhờ tích hợp vào thành phần khác như bộ xử lý trung tâm như cách mà Qualcomm đang làm.
Apple đã tự chế tạo vi xử lý A-series riêng nhưng họ lại chưa làm được chip kết nối mạng - mảng ghép quan trọng còn thiếu trong các loại chip di động của họ, nên có thể nói việc mua lại mảng modem di động của Intel là một quyết định khôn ngoan và cần thiết, nếu hãng không muốn bị hụt hơi ở cuộc đua 5G trong tương lai.