Vì sao nhà máy Microsoft Mobile Việt Nam lại “sang tay” lần nữa?

Vì sao nhà máy Microsoft Mobile Việt Nam lại “sang tay” lần nữa?
Tạp chí Nhịp sống số - Theo thông tin chính thức từ Tập đoàn Microsoft, Tập đoàn này đã đạt được thỏa thuận giao dịch bán mảng điện thoại truyền thống cho FIH Mobile Ltd., thuộc Tập đoàn Công nghệ Hon Hai/Foxconn và HMD Global, Oy. Giá trị của thương vụ là 350 triệu USD.

Trong đó, là một phần của giao dịch, FIH Mobile Ltd. sẽ nhận về Microsoft Mobile Việt Nam, nhà máy chuyên sản xuất điện thoại di động của

.Vì sao Nhà máy điện thoại Nokia - Microsoft tại Bắc Ninh tiếp tục bán mình

Nhà máy Microsoft Mobile Việt Nam ban đầu do Nokia (Phần Lan) đầu tư, với tổng vốn đăng ký 302 triệu USD. Tuy nhiên, vì sản xuất - kinh doanh khó khăn, Nokia đã bán lại mảng Thiết bị và Dịch vụ cho Microsoft và sau đó nhà máy này đã được chuyển giao cho Microsoft.

Cuối năm 2014, Microsoft chính thức công bố đổi tên nhà máy Nokia thành Microsoft Mobile Việt Nam, đồng thời công bố việc dịch chuyển sản xuất về Việt Nam. Các dây chuyền sản xuất smartphone từ Trung Quốc, Mexico cũng đã được chuyển về Việt Nam nhằm biến nhà máy này trở thành nhà máy trọng điểm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Microsoft.

Theo PhoneArena, sau khi kết thúc quý I/2016 với chỉ 15 triệu chiếc điện thoại phổ thông được bán ra, Microsoft đang có ý định đóng cửa mảng kinh doanh này. Được biết, trong thương vụ sáp nhập bộ phận Thiết bị và Dịch vụ của Nokia năm 2014, Microsoft sở hữu quyền sử dụng tên Nokia cho các smartphone đến năm 2024. Nhưng vì kinh doanh khó khăn, Microsoft buộc phải “buông tay”.

Trong hai đối tác của thương vụ mới, Foxconn rất nổi tiếng bởi đây là nhà sản xuất chuyên gia công sản phẩm cho các hãng công nghệ nổi tiếng thế giới, trong đó có sản phẩm iPhone của Apple. Foxconn cũng chuyên cung cấp các dịch vụ tích hợp cho các thiết bị di động trên toàn cầu, đồng thời cung cấp nhiều giải pháp cho khách hàng viễn thông trên các thiết bị di động.

Trong khi đó, HMD Global là một công ty tư nhân mới thành lập có trụ sở tại Phần Lan. HMD do một nhóm các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực di động điều hành, bao gồm quyền CEO Arto Nummela (người từng giữ vai trò giám đốc cao cấp tại Nokia và đang đứng đầu bộ phận di động của Microsoft ở khu vực châu Á, Trung Đông, châu Phi) cùng quyền Phó tổng phụ trách kinh doanh thị trường châu Âu của Microsoft Mobile (người từng giữ vai trò chính tại Nokia, HTC và nhiều thương hiệu lớn khác).

Theo kế hoạch, HMD sẽ bước vào thị trường di động toàn cầu tại thời điểm mà nhu cầu người dùng đối với thiết bị di động là một hệ sinh thái vững mạnh, mang lại những trải nghiệm thú vị với mức giá cạnh tranh. HMD dự tính sẽ sản xuất các dòng điện thoại, máy tính bảng mang thương hiệu Nokia chạy trên hệ điều hành Android, thay vì hệ điều hành Windows Phone như cũ khi còn thuộc sở hữu của Microsoft.

Quanh nhà máy Microsoft Mobile Việt Nam, còn những vướng mắc xung quanh ưu đãi đầu tư của dự án này. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ phải chủ trì kiểm tra, thẩm định đánh giá việc Microsoft Mobile Việt Nam có đáp ứng các tiêu chí là doanh nghiệp công nghệ cao hay không để áp dụng chính sách ưu đãi thuế theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Trong khi trước đó, thậm chí Microsoft còn có văn bản xin không hưởng ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp công nghệ cao, mà chỉ như doanh nghiệp thông thường và chấp nhận đóng thuế như bình thường. Dư luận khi đó khá khó hiểu trước động thái này của Microsoft, song giờ đây, trước thông tin bán nhà máy, xem ra mọi chuyện dễ hiểu hơn nhiều. Có thể, Microsoft đã định bán nhà máy từ lâu.

Sau thương vụ này, hẳn nhiên một lần nữa, Microsoft Mobile Việt Nam sẽ được đổi tên. Không biết với kế hoạch đầu tư, kinh doanh của Foxconn và HMD, số phận nhà máy này có bớt long đong?

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.